Văn nghệ

Lý luận, phê bình chính là “bác sĩ” của sân khấu

An Nhi 11/06/2024 - 15:03

Lý luận, phê bình được ví von như là “bác sĩ” của sân khấu, nhưng lực lượng này hiện nay đang thiếu và yếu, không làm tròn trách nhiệm định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ, định hướng thẩm mỹ cho công chúng tiếp cận tác phẩm, dẫn đến đời sống sân khấu chưa phát triển mạnh mẽ như mong đợi.

Đây là ý kiến chung của các nghệ sĩ hoạt động sân khấu Thủ đô tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận, phê bình sân khấu hôm nay”, do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức ngày 11-6.

ly-luan.jpg
Hội thảo thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của giới sân khấu. Ảnh: Thụy Du

Đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh, lý luận, phê bình sân khấu là “con đẻ” của nghệ thuật sân khấu. Nhà lý luận, phê bình sân khấu là “bác sĩ” của sân khấu. Nếu “bác sĩ” yếu và thiếu thì hậu quả là nền sân khấu còm cõi, khuyết tật, thiếu hoàn thiện.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, để phục hưng, phát triển nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, đưa sân khấu phát triển theo kịp thời đại, đáp ứng nhu cầu của khán giả hiện nay, bên cạnh công tác sáng tạo, dàn dựng, cần quan tâm hoạt động lý luận, phê bình và tạo môi trường bền vững cho hoạt động này tại Việt Nam.

PGS.TS Trần Trí Trắc chỉ ra rằng, người được đào tạo lý luận, phê bình sân khấu thường phải kinh qua thực tiễn sân khấu trên dưới 10 năm, bước vào làm nghề cũng ngót nghét 40 tuổi, nhưng quá trình làm nghề chưa được trọng. Các đơn vị nghệ thuật chưa coi đây là thành viên thân thiết trong sáng tạo, các nghệ sĩ thì "không ưa bởi không thích bị chê"… Vì thế, mảng lý luận, phê bình sân khấu hiện nay ngày càng thưa vắng người giỏi nghề.

Đồng quan điểm, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm phân tích về thực trạng người viết lý luận, phê bình sân khấu nói riêng và văn học, nghệ thuật nói chung hiện nay thiếu tinh thần phản biện. Các ý kiến thường “phê” không đến nơi đến chốn, “bình” không thấu đáo. Nhiều người có tâm lý thương cảm, nể nang đơn vị sân khấu, đạo diễn, diễn viên, thành phần sáng tạo hoặc tâm lý “dĩ hòa vi quý” nên chỉ phê bình theo tỷ lệ “bảy khen, ba góp ý”, dẫn đến hoạt động lý luận, phê bình không hiệu quả, thậm chí làm sai lệch, ảnh hưởng tới chất lượng sáng tạo sân khấu…

Tại hội thảo, các đại biểu nêu rõ thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu hiện nay. Trong đó, có ý kiến phân tích về hai lực lượng tham gia hoạt động lý luận, phê bình sân khấu là chuyên gia và nhà báo sân khấu.

Theo đó, các nhà lý luận, phê bình có chuyên môn, trình độ trong nghề nhưng viết dài, khó đăng tải và khó tiếp cận với văn nghệ sĩ, công chúng. Còn nhà báo thì không được đào tạo chuyên sâu về sân khấu nên viết phê bình còn hời hợt, sơ sài, chung chung…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những bất cập trong vấn đề đào tạo về lý luận, phê bình sân khấu; trả nhuận bút chưa xứng đáng cho những người làm nghề; hoạt động lý luận, phê bình sân khấu trong thời đại số…

Tại hội thảo, nhiều giải pháp cũng được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình sân khấu hiện nay, như nâng cao nhận thức của cấp quản lý, đơn vị nghệ thuật về vai trò của lý luận, phê bình sân khấu, từ đó phối hợp, phát huy năng lực của họ trong việc tác động, thúc đẩy sáng tác hiệu quả; tăng cường chất lượng đào tạo nghệ thuật và lý luận, phê bình nghệ thuật; nâng chế độ nhuận bút cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng có chất lượng, có tác động tích cực cho tác phẩm sân khấu…