Phát triển kinh tế làng nghề tại Thủ đô: Còn đó bài toán khai thác nguồn lực
Phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
Trong đó, làng nghề được xác định là nguồn lực quan trọng, cần được khai thác hiệu quả để góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân.
Tăng trưởng về giá trị sản xuất và xuất khẩu
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 274 làng được công nhận là làng nghề và 48 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Làng nghề Hà Nội tập trung vào 6 nhóm nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động.
Trong những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chủ tịch UBND xã Vân Hà (huyện Đông Anh) Đỗ Thị Hảo chia sẻ, xã có nghề sản xuất gỗ, thủ công mỹ nghệ ở thôn Thiết Úng nổi tiếng cả nước. Trung bình mỗi năm đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và vùng lân cận. Nhờ kinh tế làng nghề, xã Vân Hà sớm hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, như thu nhập bình quân đầu người, lao động nông thôn, hạ tầng giao thông…; đồng thời giúp địa phương hoàn thiện nhiều tiêu chí để xã lên phường.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, Phú Xuyên hiện có hơn 150 thôn, cụm dân cư có nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Đến nay, toàn huyện có 43 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận. Tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, mây giang đan, đồ mộc, nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí, tơ lưới, da giày…
Xây dựng chiến lược khai thác hiệu quả
Mặc dù nguồn lực làng nghề Hà Nội là khá lớn, song nhiều địa phương chưa khai thác hết thế mạnh, tiềm năng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, nhiều làng nghề đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất, sản phẩm cũng đa dạng hơn, nhưng chất lượng, mẫu mã cũng như công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế. Đặc biệt, không gian cho các làng nghề phát triển đang là bài toán cần được giải quyết sớm, bởi hầu hết các làng nghề nằm trong khu dân cư.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương, người nổi tiếng với nghề nón lá tại làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Để giữ nghề, làm giàu từ nghề, tôi phải chủ động đổi mới mẫu mã, đa dạng các kênh bán hàng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, gia đình tôi xuất khẩu được hơn 60.000 sản phẩm/năm sang nhiều nước ở khu vực châu Âu, châu Á. Gia đình tôi mong muốn có xưởng sản xuất quy mô lớn, gắn với các chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm để tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương”.
Năm 2024 là năm bản lề để Hà Nội thực hiện các mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU đề ra. Đối với vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã nhấn mạnh vào 3 nguồn lực chính, là: Hợp tác xã, kinh tế trang trại và làng nghề. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, với thế mạnh về làng nghề, Hà Nội hoàn toàn có thể thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nhanh hơn nữa.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian qua, nhiều quận, huyện, thị xã đã xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển các làng nghề. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật được 4 cụm công nghiệp, là: Cụm công nghiệp Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ; Cụm công nghiệp Tam Hiệp và Cụm công nghiệp Liên Hiệp - giai đoạn 2, huyện Phúc Thọ; Cụm công nghiệp Xà Cầu, huyện Ứng Hòa. Thành phố cũng đã giao Sở NN&PTNT Hà Nội hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trước ngày 30-9-2024 để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để Hà Nội khai thác hiệu quả nguồn lực từ các làng nghề, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.