Nga đặt mục tiêu vào nhóm 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới:Chiến lược tham vọng của xứ Bạch dương
Đề ra mục tiêu trở thành một trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố những chiến lược kinh tế đầy tham vọng tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF) 2024. Sự kiện này cũng tạo cơ hội để Nga quảng bá nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD với Trung Quốc, Arab Saudi hay xa hơn là các nước châu Phi bất chấp mọi trở ngại và lệnh trừng phạt từ phương Tây. Dù vậy, để hoàn thành mục tiêu trên, nước Nga vẫn rất chú trọng tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong dài hạn.
Trong 4 ngày diễn ra Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (từ ngày 5 đến 8-6), với vai trò chủ nhà, Nga đã tăng cường đối thoại bên lề với các quốc gia tham dự. Tại phiên họp toàn thể của SPIEF 2024, Tổng thống Nga đã công bố những kế hoạch phát triển vượt bậc của Nga, trong đó có việc vào nhóm 10 nước hàng đầu thế giới về hàm lượng khoa học và sáng chế - thiết kế (R&D) trong 6 năm tới. Cùng với đó là các giải pháp tăng năng suất lao động, tiêu chuẩn hóa đầu tư ở toàn liên bang, cải thiện hệ thống thuế...
Một trong những định hướng phát triển thương mại quốc tế là xây dựng và cải tạo các tuyến đường vận tải xuyên lục địa, hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương; quy hoạch phát triển hành lang quốc tế Bắc - Nam đã được phê duyệt. Hiện tại, tuyến đường biển phía Bắc của Nga đang trở thành huyết mạch giao thương quan trọng với khoảng 30 triệu tấn hàng hóa đi qua mỗi năm và trong tương lai sẽ tăng lên hơn 150 triệu tấn. Các tuyến vận tải này được tiến hành trong khuôn khổ các dự án quốc gia mà Nga đã thông qua. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, các quốc gia thân thiện với Nga chiếm 3/4 kim ngạch thương mại của nước này và Nga cũng bảo đảm sự cân bằng lợi ích với các nước tham gia Liên minh kinh tế Á - Âu.
Tổng thống Vladimir Putin nhận định, nền kinh tế Nga đang phát triển nhanh hơn so với các cường quốc toàn cầu khác và đang phát triển mà không phụ thuộc vào dầu khí.
Nhiều năm qua, Nga là nhà sản xuất dầu khí lớn và phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu năng lượng để có doanh thu tài chính. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị ngày càng xấu đi và các biện pháp trừng phạt gia tăng mạnh mẽ, nước Nga buộc phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, nhằm tăng cường đóng góp của các ngành phi năng lượng vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Từ năm 2015, Nga thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu, ban đầu tập trung vào các tổ hợp công, nông nghiệp, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ thông tin và cơ khí. Năm 2023, hơn 40% tăng trưởng GDP đến từ các ngành cơ bản như sản xuất, xây dựng, hậu cần, truyền thông, nông nghiệp và gần 60% là từ các ngành hỗ trợ như thương mại, khách sạn, dịch vụ tài chính.
Trong nhiều thập kỷ, thương mại với châu Âu là trụ cột chính của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, cuộc xung đột với Ukraine đã kết thúc điều đó. Để chống lại sự cô lập và ngăn chặn của phương Tây, Nga thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các tổ chức khu vực như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Nhiều nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng kinh tế ổn định của Nga trước những thách thức này là nhờ việc xứ Bạch dương chuyển hướng sang các thị trường ở châu Phi, Trung Đông và châu Á. Theo số liệu của Trung Quốc, kể từ năm 2021, thương mại của Nga với Trung Quốc đã tăng khoảng 63%, lên hơn 240 tỷ USD vào năm 2023. Thương mại của cường quốc này cũng tăng mạnh với Ấn Độ, đạt 65 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với năm 2021.
Rõ ràng, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng thích ứng đáng kể trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. GDP của Nga đạt mức tăng trưởng 3,6% vào năm 2023, cao hơn đáng kể so với dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình hằng năm của Nga ở mức 3,2% tính đến cuối năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 1992. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Nga sẽ tăng trưởng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).
Nga đã đặt mục tiêu gia nhập 4 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và dường như đã đạt được điều này. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần trước, Nga hiện được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới dựa trên sức mua tương đương, vượt qua Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, điều quan trọng hiện nay là “bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng tăng trưởng trong dài hạn” để duy trì vị thế của Mátxcơva.