Tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì:Cần làm rõ tình trạng biệt thự xây trên đất lâm nghiệp
Gần đây, người dân địa phương rất bất ngờ khi thấy hàng loạt căn biệt thự, khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên trên những quả đồi nằm xen kẽ trong rừng ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Đáng nói, toàn bộ khu vực trên đều thuộc đất lâm nghiệp theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2015, do UBND xã Yên Bài và UBND huyện Ba Vì ký xác nhận. Điều này cho thấy có dấu hiệu bất thường xảy ra tại đây, cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ.
“Cạo trọc” nhiều quả đồi
Theo chân lực lượng kiểm lâm Hà Nội kiểm tra hiện trạng rừng trên địa bàn thôn Chóng, xã Yên Bài những ngày đầu tháng 6-2024, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến nhiều quả đồi, dãy núi đang bị máy xúc, máy ủi “cạo trọc”, trơ đất đá. Xung quanh có 28 căn biệt thự đang được khẩn trương hoàn thiện. Ước tính, diện tích đất lâm nghiệp bị xâm hại lên tới hàng chục nghìn mét vuông.
Ông Khuất Văn Tuấn, một người dân thôn Chóng cho biết, những khu vực có công trình xây dựng thuộc đồi Cháy, đồi Ván Sôi, đồi Ba Vành… Năm 1989, thực hiện chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (PAM), mỗi hộ gia đình được xã Yên Bài giao khoán 1-3ha để trồng keo, bạch đàn.
Kiểm tra thực tế của lực lượng kiểm lâm Hà Nội cho thấy, những vị trí tại thôn Chóng nằm ở tọa độ GPS 0543496, 2325663, 0543557, 2325659 thuộc đất quy hoạch trồng cây lâm nghiệp. Còn đối chiếu với bản đồ kiểm kê rừng năm 2015, vị trí công trình xây dựng tương ứng với lô số 109, khoảnh 4, tiểu khu 9709 thuộc địa phận xã Yên Bài. Trước đó, căn cứ vào Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 8-1-2013 của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Ba Vì giai đoạn 2012-2020, thì khu vực trên thuộc đất lâm nghiệp…
Không chỉ có các công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp ở thôn Chóng, theo phản ánh của người dân, trên địa bàn các thôn: Muỗi, Bài, Mít Mái, Quýt (xã Yên Bài) có hàng chục quả đồi rộng từ 2 đến 5ha đã, đang bị san gạt, hạ cốt nền, xây dựng tường bao quanh và chia lô xây khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi… Một số người dân địa phương thông tin: Chủ những quả đồi này là người ngoài địa phương. Họ đến mua rồi bằng cách nào đó chuyển đổi đất lâm nghiệp thành đất trồng cây lâu năm và đất ở.
Đùn đẩy trách nhiệm?
Để xác minh nguồn gốc đất, phóng viên Báo Hànộimới đã làm việc với đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì và UBND xã Yên Bài.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì Phùng Hữu Lộc, đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện. Nhà báo muốn xác minh nguồn gốc đất thì liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì và UBND xã Yên Bài.
Còn Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam cho biết: "Những khu đất này ở xã Yên Bài đã được thành phố quy hoạch là đất ở nông thôn giai đoạn 2015-2020 và 2021-2030. Trong các quyết định thu hồi đất của huyện đều thể hiện nguồn gốc của khu vực này là đất trồng cây lâu năm, do một số cá nhân quản lý, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2010".
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến nguồn gốc đất từ năm 2010 trở về trước, quyết định chuyển đổi mục đích đất lâm nghiệp sang đất trồng cây lâu năm, kế hoạch sử dụng đất…, thì lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì không cung cấp và cho rằng, xác minh nguồn gốc đất là trách nhiệm của UBND xã Yên Bài. Đem thắc mắc này về xã Yên Bài, phóng viên cũng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Ông Nguyễn Văn Chính, công chức địa chính xã Yên Bài cho biết, bản đồ hành chính đo đạc năm 1997-1999 thể hiện những khu vực này là đồi hoang. Hiện tại, UBND xã không còn sổ sách ghi chép hay hồ sơ quản lý các khu đất đó.
Việc các phòng, ban của huyện Ba Vì và xã Yên Bài đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dư luận đặt câu hỏi: "Liệu có tiêu cực trong quá trình chuyển đổi, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm tại khu vực này hay không?". Hơn nữa, việc có thể “phù phép” đất công thành đất tư, một cá nhân không thể tự hợp thức hóa được hồ sơ, mà phải có sự tiếp tay của chính quyền. Đây là điều mà dư luận quan tâm, đề nghị cơ quan chức năng điều tra vào cuộc, làm rõ!
Liên quan đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, chi cục đã tham mưu bằng văn bản cho Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu UBND huyện Ba Vì kiểm tra nguồn gốc đất đai những công trình xây dựng trên. Trong trường hợp những công trình xây dựng có vị trí tọa độ nằm trên đất lâm nghiệp mà chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của thành phố, đề nghị UBND huyện Ba Vì tạm đình chỉ xây dựng và xử lý theo quy định. Đối với các dự án chưa triển khai đấu giá, đề nghị UBND huyện Ba Vì hoàn thiện thủ tục chuyển đổi, báo cáo thành phố đưa ra khỏi quy hoạch rừng… Có như vậy, huyện Ba Vì mới đủ căn cứ pháp lý đấu giá và không gây bức xúc cho người dân.
Hiện UBND huyện Ba Vì đã phê duyệt quy hoạch 26 dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Yên Bài, trong đó kết quả kiểm tra bước đầu của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội có 28 công trình thuộc 3 dự án đấu giá đất tại thôn Chóng nằm trên quy hoạch đất lâm nghiệp, gồm: 4 công trình ở khu đồi Cháy; 12 công trình ở khu đồi Ván Sôi; 12 công trình ở đồi Ba Vành. Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã đề nghị UBND huyện Ba Vì báo cáo phương án xử lý các trường hợp này.