“Hằng số” 5 chuẩn mực và giá trị trung tâm
Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” là một chỉnh thể thống nhất và toàn diện. Để thực hiện tốt Quy định, từng cán bộ, đảng viên nhất định phải phân tích, hiểu thấu từng điều, từng chuẩn mực. Đáng chú ý, “Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” có ý nghĩa như “hằng số” và có giá trị trung tâm.
1. Quy định số 144-QĐ/TƯ là sự nghiên cứu khoa học lý luận và thực tiễn nghiêm túc, chất lượng, thể hiện rõ tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng Đảng. Quy định số 144-QĐ/TƯ gồm 6 điều, trong đó có 5 điều quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Mỗi điều có từ 3 đến 5 khoản tương đương như một chuẩn mực. Trong đó, Điều 3 có 5 thành tố “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” gồm 5 khoản, cũng là điều có nhiều chuẩn mực thành phần nhất.
“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là những phẩm chất đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời nêu gương thực hành và đây cũng là những giá trị đạo đức luôn được Người dày công định hướng, tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - những người “công bộc” của nhân dân. Từ tháng 3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những bài báo đề cập cụ thể về “cần, kiệm, liêm, chính”. Người còn phân tích, chỉ rất cụ thể nội hàm của từng thành phần trong đó.
Theo Bác, “Cần” có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, trong lao động, trong chiến đấu và trong sản xuất; là làm việc có phương pháp, khoa học và trí tuệ. “Kiệm” là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, của cải vật chất cho nhân dân, không lãng phí, tiêu dùng hợp lý để mở rộng sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. “Liêm” là liêm khiết, trong sáng, không tham của cải vật chất, địa vị, sung sướng; không nịnh hót kẻ trên, không ưa thích được tâng bốc. “Chính” là luôn đấu tranh để bảo vệ lẽ phải, dũng cảm lên án những cái xấu, cái sai.
Chỉ rõ “cần, kiệm, liêm, chính” là nền tảng của đời sống mới và của thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của 4 chuẩn mực đạo đức cách mạng này khi so sánh với những quy luật của tự nhiên, vũ trụ, trời đất: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa thì không thành trời/Thiếu một phương thì không thành đất/Thiếu một đức thì không thành người”. Đây có thể nói là một cách định nghĩa hết sức sâu sắc, dễ hiểu, đi vào lòng người.
“Chí công vô tư” có nghĩa là mình vì mọi người, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, luôn đặt lợi ích chung, lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của dân tộc lên hàng đầu; là phẩm chất căn bản của người làm “công bộc” của nhân dân; có quan hệ mật thiết với “cần, kiệm, liêm, chính”, về sau luôn được Người đề cập chung trong một nội dung liền mạch. Trước khi về với thế giới người hiền, trong Di chúc để lại cho Đảng và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lưu ý về những phẩm chất đạo đức cao quý này. Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
2. Cùng với nhấn mạnh tầm quan trọng và yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” nhất, là tấm gương sáng ngời suốt đời thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Theo Người, cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính; cán bộ, đảng viên không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Người đã cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cả cuộc đời khi viết, khi nói cũng như khi hành động, ở cả trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo và trong sinh hoạt hằng ngày; để lại cho chúng ta rất nhiều câu chuyện, những bài học quý báu về đức tính này. Việc thực hiện “Điều 3: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” có ý nghĩa căn bản trong xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đây đồng thời là việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất.
Trong Quy định số 144-QĐ/TƯ, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” được diễn giải thành 5 khoản, tương đương với 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Các nội dung này hết sức cụ thể, dễ hiểu và dễ vận dụng. Mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể thực hành được ngay.
Cán bộ, đảng viên thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong giai đoạn mới là phải tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đó còn là quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.
Người cán bộ, đảng viên “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì đương nhiên phải trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Đó còn phải là người chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Cán bộ, đảng viên đó phải trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
Những cán bộ, đảng viên “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” phải biết nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động, lôi kéo, cám dỗ dẫn đến tiêu cực. Họ không được để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Họ phải bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức Đảng; thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Soi chiếu vào thực tiễn đời sống có thể thấy, thực hành Điều 3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên tránh xa được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không mắc vào tham ô, tham nhũng, lãng phí. Đây còn là cách mỗi người tích cực tham gia, đóng góp vào cuộc chiến không ngừng nghỉ đang được Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, được nhân dân đặt niềm tin.
Thực tiễn cũng đang hằng ngày nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc tu dưỡng những phẩm chất được nêu trong Điều 3. Vì những cán bộ xa rời “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cũng chính là lúc họ tự đánh mất mình và phải trả giá. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, có 7 bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND cấp tỉnh đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì không giữ được “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm những điều đảng viên không được làm...
Có thể khẳng định, cán bộ, đảng viên chăm chỉ tu dưỡng và thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không những đem lại lợi ích tốt đẹp cho dân, cho nước, mà còn là cách giữ cho mình tránh xa những cạm bẫy, giữ được phẩm giá, danh dự - những điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là thiêng liêng và cao quý nhất.