Chính trị

Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên

Hương Ly 09/06/2024 19:00

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024); 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 9-6, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn đã tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ; thăm tặng quà tại tỉnh Hà Giang.

Tham gia đoàn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành thành phố…

Trong khuôn khổ chuyến công tác, chiều 9-6, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

t2-dh-nghia-trang-.jpg
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang). Ảnh: Quang Thái.

Tham dự buổi lễ về phía tỉnh Hà Giang có Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng, cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ. Nơi đây cũng có ngôi mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; trong đó có 118 người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội.

t2-thinh-chuong-.jpg
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội thực hiện nghi thức thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Quang Thái.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có bia đá khắc 9 chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đây là dòng chữ được khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và là lời thề của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất Vị Xuyên. Nơi đây hiện là “địa chỉ đỏ” nhằm tri ân, ghi nhớ công ơn những người con yêu quý trên mọi miền của đất nước đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên cũng là nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền đất nước theo truyền thống đạo lý cao đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn".

Đây cũng là "ngôi nhà chung" của các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sĩ thuộc 32 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra.

t2-thap-huong-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Quang Thái.

Thành kính dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.

t2-tang-co-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà tặng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Quang Thái.

Dịp này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và đoàn công tác thành phố đã trân trọng trao 20 lá cờ Tổ quốc tặng Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên.

t2-luu-niem-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi sổ truyền thống. Ảnh: Quang Thái.

* Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Đoàn công tác thành phố đã tới dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên. Đền thờ được xây dựng từ Đài hương tưởng niệm 468 (tại cao điểm 468) với diện tích hơn 1.100m2, thuộc thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

t2-468-dai-huong-.jpg
Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại điểm cao 468. Ảnh: Quang Thái.

Điểm cao 468 thuộc mặt trận Vị Xuyên có vị trí địa - quân sự hiểm hóc với vai trò mũi nhọn, giữ vững mặt trận Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang). Những năm 1984-1989, Vị Xuyên tiếp tục vị trí chiến lược về quân sự và trở thành trận tuyến nóng bỏng, ác liệt kéo dài duy nhất trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Hơn 4.000 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc 9 sư đoàn chủ lực đã hy sinh anh dũng tại mặt trận Vị Xuyên để bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc; hơn 9.000 thương, bệnh binh đã đóng góp một phần xương máu để đẩy lùi quân xâm lược.

t2-sua-hoa-468.jpg
t2-thap-huong-dai-huong-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Quang Thái.

Đến nay, vẫn còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên chưa tìm được hài cốt; Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có 1.750 phần mộ nhưng nhiều phần mộ vẫn chưa có tên.

t2-doan-db-dang-huong-.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại điểm cao 468. Ảnh: Quang Thái.

Thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ tại mặt trận Vị Xuyên để bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

t2-a-quyen-thap-huong-.jpg
t2-c-lien-huong-thap-huong-.jpg
Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ tại mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Quang Thái.

Thành phố Hà Nội nguyện tiếp nối truyền thống anh hùng của Thủ đô và đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Thủ đô - trái tim của cả nước thực sự là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.