Xe buýt ngày càng thuận tiện, an toàn
Trong xu hướng phát triển của đô thị, xe buýt đóng vai trò là “xương sống” trong vận tải hành khách công cộng. Với Hà Nội, xe buýt càng ngày càng hiện đại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, tạo nên bộ mặt giao thông đô thị văn minh, tiệm cận với các nước phát triển.
Lộ trình đúng hướng
Theo lộ trình phát triển xe buýt Hà Nội, đến năm 2030, tỉ lệ phương tiện sử dụng năng lượng xanh phải đạt tối thiểu 50% và 100% xe taxi thay thế hoặc đầu tư mới phải sử dụng năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Từ lộ trình trên, có thể nhận thấy Thành phố đang đẩy mạnh và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, trong đó có xe buýt, đây cũng là một xu hướng tất yếu mà bất kỳ đô thị nào trên thế giới cũng phải trải qua, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô.
Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Hà Nội đã có quá trình tổ chức vận tải hành khách bằng xe buýt rất hiệu quả, có rất nhiều tuyến hợp lý đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, Thành phố không ngừng nghiên cứu mở mới các tuyến dài, tuyến kết nối, tạo mọi điều kiện để xe buýt phát triển. Thực tế đó là điều kiện để người dân lựa chọn xe buýt thay vì phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường”.
Bà Nghiêm Thị Minh Hòa (phường Kim Mã, quận Ba Đình) cho biết: “Lựa chọn đi xe buýt là sự lựa chọn rất hợp lý, đặc biệt là đối với người cao tuổi như tôi thì đi xe buýt luôn đảm bảo an toàn. Chất lượng dịch vụ xe buýt có sự chuyển biến rõ rệt trong những năm gần đây, thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên bán vé đa phần rất thân thiện và văn minh, coi khách hàng là trung tâm phục vụ”.
Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
Trong những năm gần đây, Thành phố đã nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt cả về phương tiện lẫn thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, nhân viên bán vé. Những việc làm tốt, những hành động đẹp trên xe buýt đã được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông, góp phần xây dựng văn hóa xe buýt thân thiện, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề như một số tuyến hoạt động chưa hiệu quả, nhiều đoạn đường, nhà chờ xe buýt bị chợ cóc lấn chiếm.
Trước thực tế mong muốn hành trình xe buýt trên các tuyến không bị ảnh hưởng do tắc đường, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội bày tỏ: “Nếu có được làn đường riêng dành cho xe buýt thì quá tốt. Song việc triển khai không phải điều dễ dàng. Hiện tại tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đang có làn đường dành riêng nhưng vẫn thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn. Tôi mong muốn người dân nâng cao ý thức và sự tôn trọng đối với làn đường dành riêng cho buýt BRT”.
Ông Hải đưa ra một số kiến nghị: Cần chọn hành lang có lưu lượng giao thông cao và tổ chức tốt để tạo ra lực hút lớn, giảm áp lực xe cá nhân. Đồng thời, Sở Giao thông - Vận tải phải rà soát lại mạng lưới để giảm độ trùng lặp, lộ trình thừa; tạo sự kết nối hợp lý với tuyến đường sắt đô thị. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành, tạo ra một nền tảng giao thông thông minh để hành khách dễ dàng tiếp cận, áp dụng thanh toán không tiền mặt cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi về chất lượng dịch vụ từ khách hàng.
Ông Hải khẳng định, bộ mặt giao thông công cộng của Thành phố trong những năm qua có sự thay đổi rõ rệt thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được văn hóa ứng xử trên xe buýt, không còn tình trạng nổi nóng, lời lẽ không phù hợp của đội ngũ phục vụ, thậm chí họ còn giúp đỡ, bảo quản tài sản cho hành khách, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh trong khi phục vụ hành khách.
Chị Nguyễn Thị Thủy, đang làm việc tại phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Nhà tôi ở huyện Đông Anh, tuy quãng đường đi làm khá xa nhưng tôi vẫn lựa chọn đi xe buýt. Mỗi tháng tôi chỉ mất 200.000 đồng dán vé tháng xe buýt thay vì phải trả từ 700.000 - 800.000 đồng tiền đổ xăng nếu đi xe máy. Ngoài ra, tôi thấy đi xe buýt rất an toàn, không phải lo âu khi cầm lái. Những năm gần đây chất lượng dịch vụ xe buýt được nâng cao, lên xe có chỗ ngồi và điều hòa mát mẻ, đó chính là lý do tôi lựa chọn xe buýt".
Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Theo các chuyên gia giao thông, với tiềm lực 154 tuyến như hiện nay, mạng lưới xe buýt hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu Thành phố Hà Nội đặt ra. Tuy nhiên, xe buýt vẫn phải vận hành trong hệ thống giao thông hỗn hợp, chỉ cần có va chạm giao thông hay tai nạn giao thông thì chuyến xe có thể bị chậm hành trình rất lâu, đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến xe buýt chưa được nhiều người dân lựa chọn.
Thực tế cho thấy, hiện hệ thống 154 tuyến xe đã phủ sóng khắp 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô với đủ kích cỡ, chủng loại xe. Do vậy, lượng hành khách tăng ít không phải do xe buýt đến ngưỡng mà đa phần đối tượng đi xe buýt chủ yếu vẫn là sinh viên, học sinh, người già... Năng lực vận tải của xe buýt còn nhiều nhưng chưa khai thác được tối đa hiệu suất.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Để thu hút người dân đi xe buýt thì việc đầu tiên cần làm là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, phương tiện phải chạy êm, không xả thải gây ô nhiễm, không gây ồn ào, chạy đúng lịch trình và đúng giờ. Thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên phải tốt và nâng cao thường xuyên, phải có tính kiên nhẫn và phục vụ thật tâm. Đồng thời, xe buýt phải có mạng lưới tốt như trạm đỗ phải đảm bảo sạch sẽ, có mái che, đèn chiếu sáng và bảng thông tin rõ ràng. Các cơ quan, doanh nghiệp cần có chế độ khuyến khích nhân viên đi xe buýt. Hiện tại Thành phố đã có giải pháp tổng thể về tổ chức, tài chính, phương pháp... để phát triển hệ thống xe buýt. Vì thế, để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp mà Thành phố đưa ra”.