“Chiêu” lừa đảo cũ, người dân vẫn bị mất tiền tỷ
Khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ trên mạng xã hội, người dân cần xác minh rõ danh tính, yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết, bảo đảm lựa chọn những nơi uy tín.
Đánh giá tình hình an ninh mạng trong tuần qua, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đối tượng lừa đảo vẫn sử dụng chiêu bài cũ như làm quen qua mạng xã hội, giả danh cơ quan công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Song không ít người dân vẫn mất cảnh giác, “sập bẫy” mất tiền...
Trường hợp thứ nhất, người dân ở thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã đồng ý kết bạn với một tài khoản Facebook tên "Yadni Bentos" là nhân viên Chính phủ Mỹ tham gia gìn giữ hòa bình ở Syria. Đối tượng "Yadni Bentos" cho biết có bố là người Việt Nam đã chết, có để lại số tiền 600.000 USD và muốn gửi tiền (chụp hình hộp tiền và giấy xác nhận gửi hàng) về Việt Nam cho nạn nhân đầu tư.
Nạn nhân làm theo hướng dẫn lần lượt chuyển khoản hơn 1 tỷ đồng đóng phí thông quan, hoàn thành xin giấy xác nhận và bảo hiểm lô hàng gửi về từ nước ngoài… Vụ việc xảy ra cuối tháng 4, đầu tháng 5-2024 và đang được cơ quan công an điều tra.
Trường hợp thứ hai xảy ra cuối tháng 5-2024, nạn nhân là bà N (trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, thông báo bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền; đồng thời yêu cầu bà N cung cấp tài khoản ngân hàng để chứng minh không liên quan.
Do lo sợ, bà N đã chuyển 1,1 tỷ đồng vào tài khoản cho đối tượng để xác minh. Vụ việc đang được Công an quận Hoàn Kiếm điều tra.
Vụ việc thứ ba, đối tượng Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, ngụ xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) mở tài khoản Facebook tên “Mạnh Hùng”, giả là giáo viên dạy lái xe ô tô, đăng tải thông báo nhận làm hồ sơ thi, nâng hạng giấy phép lái xe ô tô, rồi lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Vụ việc đã được Công an huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) khởi tố ngày 30-5 và bắt tạm giam Hùng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, cơ quan công an xác định bị can Hùng đã lừa 15 người ở tỉnh Nghệ An và 10 người ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Gia Lai và Bình Phước, chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng trước những đối tượng kết bạn làm quen trên mạng xã hội.
Cần xác minh danh tính của đối tượng, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc gặp gỡ trực tiếp.
Người dân không nên vội vàng làm theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng; tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức; không truy cập vào các đường dẫn lạ; không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Nếu phát hiện đã bị lừa đảo, hãy dừng gửi tiền và chặn tất cả liên lạc từ đối tượng lừa đảo; đồng thời liên hệ ngay với ngân hàng và tổ chức tài chính để yêu cầu dừng mọi giao dịch.
Cơ quan công an tuyệt đối không yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cũng như chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ trên mạng xã hội, người dân cần xác minh rõ ràng danh tính, yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết, bảo đảm lựa chọn những nơi uy tín.