Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Chặt chẽ nhưng cần linh hoạt
Sau hơn 8 năm thi hành, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.
Song, vẫn còn những quy định trong luật cứng nhắc, không xử lý được một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn, đòi hỏi phải nghiên cứu, điều chỉnh tạo cơ chế giải quyết kịp thời để bảo đảm vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt.
Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao
Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Anh Đức cho biết, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ ngày 1-7-2016 (thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành) đến nay, đã có 7.759 văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền. Cấp tỉnh, huyện, xã cũng đã ban hành hàng nghìn nghị quyết, quyết định. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã phát huy hiệu quả, tăng tính khả thi, thống nhất, đồng bộ và kịp thời của hệ thống pháp luật...
Thực tiễn cũng cho thấy, việc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có các quy định cụ thể tách bạch 2 giai đoạn đề nghị xây dựng và soạn thảo là phù hợp, nhất là với các đạo luật có phạm vi, nội dung phức tạp. Nhờ vậy, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng lên. Nhiều nội dung có tính đột phá về thể chế giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Đặc biệt, qua cơ chế tiền kiểm (thẩm định, thẩm tra) và hậu kiểm (kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa) của luật, có thời điểm không còn tình trạng “nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết; đã có tới 4.294 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp được phát hiện. Riêng Bộ Tư pháp đã kiến nghị xử lý 1.040 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gồm 170 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 870 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh.
Mới đây nhất, sau khi được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chỉ ra nhiều nội dung trong Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự thì cơ quan này đã phải bãi bỏ.
Cần “cây gậy” pháp lý ngăn chặn lợi ích nhóm
Dù vậy, phản ánh của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, như đại dịch Covid-19, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vẫn cần nghiên cứu, sửa đổi để phản ứng linh hoạt hơn nữa trước các vấn đề mới phát sinh.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, xác định rõ trường hợp nào các địa phương được ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp có tính chất đặc thù và phạm vi đến đâu để phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương. Phản ánh của một số tỉnh, thành phố cũng cho thấy, luật năm 2015 chưa đưa ra khái niệm thế nào là “văn bản quy định chi tiết”, gây khó khăn trong việc rà soát, xác định nội dung đương nhiên hết hiệu lực.
Đối với quy trình xây dựng luật, Trưởng ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Nguyễn Quỳnh Liên cho rằng, cần xây dựng cơ chế cụ thể về việc lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghiên cứu mở rộng phản biện xã hội xuyên suốt trong quy trình xây dựng pháp luật, tránh tình trạng khi luật được ban hành lại phát hiện vướng mắc, mâu thuẫn giữa các luật hoặc với các văn bản dưới luật của luật khác, dẫn đến việc tổ chức thi hành gặp vướng mắc, các cơ quan, tổ chức không biết áp dụng theo văn bản nào.
Ở góc nhìn khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển đề xuất bổ sung cơ chế xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản trái pháp luật để chủ động ngăn ngừa tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp thông tin, Bộ đang nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực gắn với vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật. Cùng với đó, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn; tiếp tục phát huy, bảo đảm dân chủ trên cơ sở tăng cường thu hút sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giao Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện văn bản tổng kết luật để sớm báo cáo Chính phủ, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi luật này, đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, góp phần tăng tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.