Thế giới

Triển vọng kinh tế của EU: Lạc quan và thận trọng

Quỳnh Dương 08/06/2024 - 06:55

Sau gần 5 năm liên tục tăng lãi suất (bắt đầu từ tháng 9-2019), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã lần đầu tiên ra quyết định điều chỉnh nới lỏng chính sách tiền tệ với mức hạ lãi suất 0,25%.

Đây là động thái cho thấy sự lạc quan xen lẫn thận trọng về triển vọng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn còn đè nặng.

eu.jpg
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde thông báo hạ lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm. Ảnh: CBS

Theo thông báo của ECB, từ ngày 12-6, lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn chính, lãi suất đối với cơ sở cho vay cận biên và tiền gửi sẽ giảm xuống lần lượt là 4,25%, 4,5% và 3,75%.

Trong cuộc họp báo về vấn đề này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, quyết định giảm lãi suất được đưa ra bởi cơ quan này tin tưởng vào lộ trình tăng trưởng dựa trên số liệu ổn định những tháng gần đây. Lạm phát toàn phần đã giảm 2,5 điểm phần trăm kể từ tháng 9-2023 và triển vọng đã được cải thiện rõ rệt. Sau 5 quý trì trệ, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trưởng 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2024. Lĩnh vực dịch vụ đang mở rộng và sản xuất đang có dấu hiệu ổn định ở mức thấp. Việc làm tăng 0,3% trong quý đầu năm nay, với khoảng 500.000 việc làm mới được tạo ra và các cuộc khảo sát cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,4% trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ khi đồng euro bắt đầu hoạt động.

ECB kỳ vọng nền kinh tế tiếp tục phục hồi khi các điều khoản thương mại được cải thiện sẽ thúc đẩy thu nhập thực tế. Xuất khẩu mạnh hơn cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong những quý tới khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu tăng lên. Bên cạnh đó, các chính sách cơ cấu và tài chính quốc gia nhằm mục đích làm cho nền kinh tế trở nên năng suất và cạnh tranh hơn đã được triển khai. Điều này sẽ giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng và giảm áp lực giá cả trong trung hạn.

Tuy nhiên, một số hãng đánh giá tài chính cảnh báo rằng, bất chấp những cải thiện về kinh tế thời gian gần đây, áp lực giá cả vẫn mạnh mẽ khi tiền lương tăng cao và lạm phát có thể sẽ cao hơn trong năm tới. Bởi vậy, quyết định hạ lãi suất lần này được đánh giá là khá bất ngờ khi lạm phát của Eurozone trong năm 2024 và 2025 được dự báo lần lượt là 2,5% và 2,2%, tăng so với các mức 2,3% và 2% được đưa ra trước đó. Đối với lạm phát lõi, hay còn gọi là lạm phát cơ bản (sự thay đổi giá cả của hàng hóa, dịch vụ nhưng không bao gồm mức giá của lương thực và năng lượng) trong năm nay sẽ vào khoảng 2,8%, năm 2025 là 2,2% và năm 2026 là 2%.

Ngoài ra, rủi ro từ căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của Eurozone. Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine và tại Dải Gaza đang là nguyên nhân chính của những biến động khó lường. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp và hộ gia đình trở nên kém tin tưởng hơn về tương lai khi nguy cơ thương mại toàn cầu bị gián đoạn ngày càng gia tăng. Rủi ro lạm phát tăng xuất phát từ căng thẳng địa chính trị có thể đẩy giá năng lượng và chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn trong thời gian tới. Hơn nữa, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên phạm vi rộng hơn có thể đẩy giá lương thực tăng cao.

Tuy nhiên, ECB nhấn mạnh, việc giảm lãi suất vào thời điểm này là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và bảo đảm rằng lạm phát sẽ dần được điều chỉnh tiệm cận với mức mục tiêu là 2%. ECB sẽ giữ chính sách hạn chế lãi suất trong thời gian cần thiết đủ để đạt được tiêu chí đã đề ra. Bà Christine Lagarde nhấn mạnh, đây chưa phải là giai đoạn "hạ nhiệt" lãi suất mà chỉ là "sự điều tiết ở mức độ hạn chế" và cần có thêm dữ liệu phân tích để xác nhận về xu hướng của nền kinh tế. Dự kiến, cuộc họp quan trọng tiếp theo của ECB để quyết định về lãi suất sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo EU tin tưởng rằng, việc triển khai hiệu quả, nhanh chóng và đầy đủ chương trình EU thế hệ tiếp theo, tiến tới liên minh thị trường vốn và hoàn thiện liên minh ngân hàng, đồng thời củng cố thị trường chung sẽ giúp thúc đẩy đổi mới và tăng cường đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Bên cạnh đó, việc các quốc gia thành viên thúc đẩy thực hiện khuôn khổ quản trị kinh tế sửa đổi của EU một cách đầy đủ sẽ giúp các chính phủ giảm thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ một cách bền vững.