Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi: Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", 5 năm qua, Hà Nội có hơn 900.000 lượt hộ đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp.
Đặc biệt, phong trào được triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng làm giàu của nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hơn 900 nghìn lượt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi
Bà Chu Thị Thịnh ở xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố. Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, bà chăn nuôi 4.000 gà đẻ trứng, 5 lò ấp trứng và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, mỗi năm lãi gần 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà còn tạo việc làm cho 5 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 7 triệu đồng/ người/tháng...
Giống như bà Thịnh, ông Nguyễn Xuân Thanh ở xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) cũng là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố. Năm 2015, ông thuê thầu 2,5ha đất bãi để trồng 0,5ha chuối tiêu hồng, 1ha cam canh, 0,5ha cây mộc, 0,5ha bưởi… Mỗi năm doanh thu từ mô hình kinh tế vườn của gia đình ông đạt khoảng 1,1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 15 đến 17 lao động.
Theo báo cáo của Hội Nông dân thành phố Hà Nội, thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", trong 5 năm (2019-2023), toàn thành phố có 1.317.910 lượt hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét, toàn thành phố có 903.435 lượt hộ đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp.
Về triển khai phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho biết, huyện Ba Vì đã tích cực hỗ trợ, trợ giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện tích tụ ruộng đất, xây dựng “cánh đồng lớn”, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hội Nông dân các cấp cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Còn Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm Chu Anh Tuấn cho biết, qua phong trào đã tạo ra sức hút và sự gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức hội với hội viên, nông dân.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" phát triển chưa đồng đều giữa các đơn vị, địa phương. Quy mô sản xuất, kinh doanh của nông dân còn nhỏ lẻ; việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn yếu; hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế; sản phẩm nông sản của nông dân thiếu sức cạnh tranh trên thị trường...
Để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, trong thời gian tới, hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của phong trào, tổ chức dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho nông dân, thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đoàn kết, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm...
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, nông dân thực hiện thắng lợi phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" chính là khẳng định vai trò chủ nhân của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục khơi dậy tinh thần thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong mỗi nông dân; đồng thời, tiếp tục triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào trong cộng đồng dân cư, với phương châm: “Người biết làm kinh tế giỏi hướng dẫn người chưa biết; người thực hiện tốt vận động người khác cùng thực hiện”, tạo thành phong trào thi đua yêu nước thường xuyên trong toàn thành phố.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm:
Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ nông dân
Thời gian qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết, thi đua sản xuất, kinh doanh, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo của nông dân, khẳng định vai trò chủ nhân của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả, Hội Nông dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp hội tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… Bên cạnh đó, hội cần tập hợp, thu hút nông dân và hội viên vào các loại hình câu lạc bộ, chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp để tạo tiền đề phát triển mô hình kinh tế tập thể; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, phát triển các mô hình chuỗi giá trị mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức mạnh và năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Khuất Văn Sỹ:
Hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, những mô hình mới trong nông nghiệp, nông thôn với những sáng kiến, cách làm hay, năng động, sáng tạo và ngày càng có nhiều hộ nông dân biết cách vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng…
Để ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác dự tính, dự báo nhu cầu thị trường; tăng cường đàm phán với các nước liên quan để mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Thủ đô Hà Nội; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận thông tin thị trường tiêu thụ, ưu tiên và có chính sách hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối:
Tạo điều kiện cho hợp tác xã tích tụ ruộng đất
Thời gian qua, hợp tác xã đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp. Với ưu điểm là sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới và đa dạng cây trồng, hằng tháng, Hợp tác xã Rau hữu cơ Cuối Quý, cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện Đan Phượng từ 5 đến 7 tấn rau, quả các loại với giá bán cao hơn 5-7 lần so với rau bình thường. Năm 2020, hợp tác xã đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cho 18 sản phẩm rau, củ, quả các loại. Doanh thu năm 2023 của hợp tác xã đạt 2,8 tỷ đồng...
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nói chung và Hợp tác xã Rau hữu cơ Cuối Quý nói riêng hoạt động, Nhà nước cần có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng, trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.
Sơn Tùng ghi