Từ ngày 1-7, chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực: Tăng bảo mật, ngăn lừa đảo
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1-7, người chuyển khoản trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực khuôn mặt.
Đây là giải pháp tăng cường tính bảo mật, hạn chế tình trạng lừa đảo, đánh cắp tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền; sử dụng tài khoản không chính chủ thực hiện hành vi phạm pháp.
Hơn 90% giao dịch trên kênh số
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động. Tại nhiều tổ chức tín dụng, giao dịch thực hiện trên kênh trực tuyến chiếm tới hơn 90%. Số liệu mới nhất cũng cho thấy, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong thời gian qua tăng trưởng cao, phù hợp với xu thế phát triển, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng và lợi ích cho ngân hàng. Tuy nhiên, mặt trái là tình trạng lừa đảo trực tuyến, đánh cắp tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ thực hiện hành vi phạm pháp.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua có không ít người dân đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Thủ đoạn của tội phạm rất tinh vi, như mạo danh cơ quan chức năng, đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm và đường link có mã độc, từ đó chúng chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Theo kết quả điều tra, có đến 99% vụ việc tội phạm không để lại dấu vết, vì tiền được chuyển đến tài khoản không chính chủ, được đối tượng mua bán trên mạng...
Qua thống kê của ngân hàng, hiện có 70% giao dịch chuyển tiền có giá trị dưới 10 triệu đồng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra ngưỡng giao dịch 10 triệu đồng trở lên phải xác thực khuôn mặt nhằm tăng tính bảo mật, ngăn chặn lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, bảo đảm sử dụng tài khoản chính chủ...
Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra ngưỡng 20 triệu đồng/ngày để tránh trường hợp tội phạm thực hiện nhiều giao dịch dưới 10 triệu đồng/lần. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã kết nối, khai thác dữ liệu dân cư và xử lý được hàng triệu hồ sơ tài khoản.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, xác thực sinh trắc học là khuôn mặt thật, không phải hình ảnh cài trên điện thoại. Tức là người thực hiện chuyển tiền phải soi khuôn mặt mình vào ứng dụng, nhìn lên nhìn xuống để bảo đảm đây là hình ảnh sống.
Và khuôn mặt của người thực hiện chuyển tiền được đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học từ căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an quản lý. Nếu không may bị đánh cắp tài khoản, khách hàng vẫn có thể lấy lại tiền, vì muốn chuyển tiền khỏi tài khoản, người thực hiện phải xác thực khuôn mặt bảo đảm đúng là chính chủ đang giao dịch. Trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền, cơ quan công an cũng sẽ nhanh chóng xác định được danh tính qua đối chiếu với thông tin trên căn cước công dân.
Gấp rút hoàn thiện hệ thống
Để chính thức áp dụng từ ngày 1-7 theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Anh Tuấn cho biết, đến nay, các ngân hàng thương mại đang gấp rút hoàn thiện hệ thống nhằm triển khai quy trình xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền trực tuyến. Nhiều khách hàng sẽ nhận được tin nhắn của ngân hàng mở tài khoản yêu cầu xác thực thông tin qua ứng dụng hoặc đến điểm giao dịch. Giải pháp này nhằm bảo đảm an toàn nên rất mong khách hàng hợp tác với ngân hàng.
Ngoài giải pháp xác thực, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông về việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn.
Trong khi đó, về phía các ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Từ Tiến Phát cho hay, do hầu hết ngân hàng đều đang miễn phí phần lớn dịch vụ, nên để thực hiện các nội dung của Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, các ngân hàng sẽ phải đầu tư rất lớn.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc đầu tư này rất đáng “đồng tiền bát gạo” bởi mang lại sự an toàn cho khách hàng. Khi thấy được sự an toàn, khách hàng cũng sẽ tìm đến, yên tâm sử dụng các dịch vụ của ngân hàng", ông Từ Tiến Phát nói.
Theo đó, ACB dự kiến trong tháng 6-2024 sẽ thông báo cho khách hàng đăng ký xác thực thông tin. Ngân hàng ACB cũng bảo đảm, việc thực hiện thủ tục này rất đơn giản, người dùng chỉ mất một lần xác thực với căn cước công dân và khuôn mặt, sau đó có thể thực hiện các giao dịch dễ dàng.