Chuyện đó đây

Tàu vũ trụ Boeing Starliner-1 đã cập bến ISS thành công

Hoàng Linh 07/06/2024 - 10:08

Ngày 7-6 (giờ Việt Nam), Reuters cho biết tàu vũ trụ Starliner-1 có người lái đã "cập bến" thành công Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bất chấp một số trục trặc.

screenshot-2024-06-07-at-09.05.41.jpg
Các phi hành gia tại ISS chào đón 2 thành viên Starliner. Ảnh: NASA

Hai phi hành gia Barry "Butch" Wilmore (58 tuổi) và Sunita "Suni" Williams (61 tuổi) đã tiếp cận trạm không gian quốc tế khi tàu kết nối với ISS vào 13h34 theo giờ miền Đông nước Mỹ (tức 0h34 ngày 7-6 theo giờ Việt Nam).

Cả hai được chào đón nồng nhiệt bằng những cái ôm và bắt tay bởi 7 thành viên phi hành đoàn đang thường trú trên ISS (gồm 4 phi hành gia Mỹ và 3 phi hành gia Nga).

Hoạt động kết nối với ISS ban đầu được lên kế hoạch diễn ra sớm hơn khoảng 1 giờ, nhưng đã bị trì hoãn do các phi hành gia phải khắc phục sự cố ở một số động cơ đẩy điều khiển hệ thống kiểm soát phản ứng (RCS) nhằm bảo đảm Starliner có thể thực hiện các thao tác chính xác.

Trước đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết tàu Starliner-1 đã phát sinh thêm 2 vết rò rỉ khí helium kể từ khi đi vào quỹ đạo, ngoài vết rò rỉ đã được biết trước khi tàu "cất cánh" nhưng các chuyên gia quyết định không sửa chữa vì tỷ lệ rò rỉ nằm trong giới hạn có thể kiểm soát được.

Helium là loại khí không độc hại và không cháy, được dùng để tạo áp suất cho hệ thống động cơ đẩy của Starliner.

Vẫn chưa rõ liệu hiện tượng rò rỉ khí helium và các vấn đề về động cơ đẩy có liên quan với nhau hay không.

Vụ phóng thành công Starliner-1 lần này diễn ra sau nhiều năm gặp sự cố kỹ thuật, nhiều lần trì hoãn và sứ mệnh thử nghiệm thành công đầu tiên vào năm 2022 đến phòng thí nghiệm quỹ đạo mà không có phi hành gia trên tàu.

tr5jbbbgcfiutncrfxrm6numiq.jpg
Tàu Starliner-1 được tên lửa Atlas V đẩy lên không gian vào ngày 5-6 (giờ Florida, Mỹ). Ảnh: Reuters

Chuyến hành trình đầu tiên của phi hành đoàn Starliner tới ISS cũng là dấu mốc quan trọng đối với Boeing (Mỹ), trong bối cảnh hãng này đang nỗ lực giành thị phần lớn hơn trong hoạt động kinh doanh giàu lợi nhuận này của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), mà Space X là đối thủ rất mạnh.