Sinh viên đi làm thêm: Cần biết bảo vệ chính mình
Hứa hẹn mức lương thử việc cao, môi trường làm việc nhiều ưu đãi nhưng khi thanh toán lương thì bị trừ tiền với nhiều lý do.
Đó là những mánh lới mà rất nhiều chủ sử dụng lao động đã và đang áp dụng với người lao động là sinh viên đi làm thêm hiện nay. Do đó, trước khi đi làm thêm, sinh viên cần nắm chắc quy định để đạt được thỏa thuận tốt nhất, tự bảo vệ cho mình.
Muôn kiểu... trừ tiền lương
Thực tế là rất nhiều sinh viên đang dành thời gian rảnh rỗi để làm thêm như bán cà phê, hàng ăn, điện thoại... Theo sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Quyết Thắng, do gia đình khó khăn, mỗi tháng mẹ anh chỉ gửi cho 2 triệu đồng gồm chi phí tiền thuê trọ và tiền ăn, nên Thắng làm thêm ở vị trí chạy bàn tại một nhà hàng trên phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy), với mức lương 18.000 đồng/giờ. Thắng nhận làm ca chiều tối với 5 giờ/ngày, vị chi 90.000 đồng/ngày, mức lương cả tháng được hơn 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau 1 tháng làm việc cật lực, em bị chủ quán trừ đầu trừ đuôi còn 1 triệu đồng với lý do: Rót bia cho khách gây rơi vãi, khách gọi không trả lời ngay, chậm mời khách làm mất doanh thu, bảo quản đồ không cẩn thận… Khi Thắng phân trần, giải thích thì chủ quán này tuyên bố, nếu không chấp nhận quy tắc ở đây thì nghỉ làm. Vì nghĩ là tháng thử việc nên chủ khắt khe, Thắng tiếp tục làm việc nhưng tháng thứ 2 bị trừ nhiều hơn tháng trước nên đành xin nghỉ làm. Sau đó, Thắng có đặt vấn đề nhận lương tháng làm việc thứ hai của mình thì chủ quán thông tin, 2 tuần sau quay lại nhận lương.
Tương tự, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Kinh tế quốc dân Lê Ngọc Anh làm thêm tại một quán cà phê trên địa bàn quận Đống Đa ở vị trí pha chế, với mức lương là 20.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, quá trình làm việc, Ngọc Anh ngỡ ngàng khi mọi công việc từ quét dọn nhà cửa, rửa chén bát, đến ghi hóa đơn, bưng bê cho khách đều một tay cô làm. Khi có ý kiến thì chủ quán cho biết, đây là giai đoạn thử việc nên chủ yêu cầu gì thì nhân viên phải làm đó.
Cảm thấy công việc khác biệt với thỏa thuận lúc phỏng vấn nên Ngọc Anh đã nghỉ việc sau 1,5 tháng làm. Và Ngọc Anh còn ngỡ ngàng hơn khi số lương bị trừ gần 20 ngày công do nghỉ việc không báo trước.
“Lúc xin việc tôi thấy chủ quán nhận rất nhanh, còn hứa hẹn nếu qua thời kỳ thử việc sẽ tăng lương. Nhưng thực chất đó là cái “bẫy”. Khi tôi nhận ra thì đã muộn vì mọi giao kèo chỉ bằng miệng, không có bất cứ thỏa thuận giấy tờ nào”, Ngọc Anh chia sẻ.
Quyền được ký hợp đồng lao động
Hiện nay, nhiều sinh viên tìm việc làm thêm đơn giản, chịu ít áp lực, ít đòi hỏi kỹ năng, bằng cấp. Đối với họ, đó là cơ hội kiếm thêm thu nhập, cũng là cách để tích lũy kinh nghiệm.
Tuy nhiên, hầu hết người lao động và người sử dụng lao động đều chỉ giao kèo bằng miệng mà quên mất quyền được ký hợp đồng lao động để được bảo vệ quyền lợi một cách hợp pháp. Cụ thể, tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 yêu cầu rất rõ trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh (quận Hoàng Mai) Nguyễn Minh Quân, do công việc cần tuyển dụng lao động làm bán thời gian nên công ty có tuyển dụng một số sinh viên làm thêm. Nhưng thực tế, đa số sinh viên ít hiểu biết về pháp luật lao động, họ chỉ quan tâm là được nhận vào làm việc, mức lương. Cũng vì vậy, Công ty phải trao đổi đầy đủ để họ nắm được quyền và nghĩa vụ của mình khi vào làm việc ở công ty.
Ông Nguyễn Minh Quân cho biết, quan điểm của công ty là tuyển dụng lao động dù ngắn hay dài hạn thì vẫn phải ký hợp đồng lao động cùng các điều khoản rõ ràng, có như vậy mới giao việc và quy trách nhiệm cho từng người lao động.
Trao đổi vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành cho biết, trước khi đi làm thêm hoặc phỏng vấn, sinh viên nói riêng và người lao động nói chung cần nắm chắc quy định để đạt được thỏa thuận tốt nhất cho mình.
Trong đó, việc ký kết hợp đồng lao động là quan trọng, cần được thiết lập đúng để bảo vệ quyền lợi. Và điều quan trọng nữa là mỗi người lao động cần tìm hiểu kỹ về đơn vị mà họ tham gia ứng tuyển có uy tín không, các điều kiện trong hợp đồng có đúng quy định không... Trung tâm đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm ngay tại các trường học, đây chính là môi trường thuận lợi, là những địa chỉ tin cậy để sinh viên có việc làm.
Mặc dù, các quy định về lao động đều bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng nhiều sinh viên vẫn rơi vào cảnh thiệt thòi do thiếu hiểu biết. Hệ lụy kéo theo là khi bị ăn chặn lương nhưng không có căn cứ để đòi quyền lợi do không nắm được thông tin. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có đưa ra mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 25 triệu đồng nếu người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên…
Từ những bài học trong thực tế, mong rằng các sinh viên cần trang bị đủ kiến thức để bảo vệ cho chính mình khi bước chân vào thị trường lao động.