Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu: Kinh nghiệm hay từ nhiều địa phương

Minh Phú 07/06/2024 - 06:51

Với nỗ lực, quyết tâm cao, đến nay, nhiều huyện của Hà Nội như Đan Phượng, Thanh Trì... đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở 100% các xã.

Đặc biệt, huyện Sóc Sơn đã có những bứt phá hết sức mạnh mẽ. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… Kinh nghiệm từ các địa phương trên trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đáng để nhiều địa phương khác tham khảo.

nong-moi.jpg
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Từ sự bứt phá mạnh mẽ ở Sóc Sơn

Mới đây, 6 xã là: Xuân Giang, Quang Tiến, Trung Giã, Mai Đình, Phú Cường, Phú Minh thuộc huyện Sóc Sơn đã được Đoàn thẩm định của thành phố đánh giá hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Điều đáng nói là cả 6 xã trên đều vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao cuối năm 2023. Đối với các tiêu chí kiểu mẫu tự chọn, các xã xây dựng 2-3 lĩnh vực là lợi thế của địa phương như: Y tế, văn hóa; sản xuất…

Theo Chủ tịch UBND xã Mai Đình Nguyễn Thị Thanh Huyền, địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên 2 lĩnh vực: Y tế và văn hóa. Với lĩnh vực y tế, Trạm y tế xã Mai Đình được xây mới, cải tạo từ năm 2022, có 16 phòng bảo đảm công tác khám, chữa bệnh theo quy định. Về nhân lực, trạm có 1 bác sĩ đa khoa và các dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh… bảo đảm đủ cán bộ y tế hoạt động theo cơ cấu... Đối với lĩnh vực văn hóa, xã có Trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn theo quy định; đầy đủ trang thiết bị bảo đảm hoạt động văn hóa, văn nghệ toàn xã; có sân thể thao. Mai Đình cũng có 15/15 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao...

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, với 6 xã vừa được đánh giá hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, lũy kế đến nay, Sóc Sơn đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó 9 xã đạt kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đặt ra cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đến những cách làm hay

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, thời gian qua, nhiều huyện nỗ lực đạt kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện: Thanh Trì, Đan Phượng đến năm 2023 đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Với huyện Sóc Sơn, chỉ trong khoảng 6 tháng từ cuối năm 2023 đến nay có thêm 6 xã đạt chuẩn... Đây là kết quả đạt trong thời gian rất ngắn, chưa có địa phương nào trên địa bàn thành phố làm được.

Về kinh nghiệm thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng chia sẻ, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 100% số xã, Thanh Trì tiếp tục chỉ đạo tập trung nguồn lực hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện yêu cầu các xã trên địa bàn rà soát tiêu chí lựa chọn, ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó yêu cầu các xã hoàn thiện tiêu chí bắt buộc và tiêu chí lựa chọn. Kết quả, các xã đều đủ điều kiện báo cáo thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu 5-8 lĩnh vực, trong đó có 2 xã kiểu mẫu toàn diện...

Còn Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải thông tin, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, Đan Phượng tập trung mạnh vào xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, huyện có gần 100% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 65% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Nhờ vậy, trong số 8 lĩnh vực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã của huyện Đan Phượng đều đạt lĩnh vực giáo dục.

Là xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 trên 3 lĩnh vực, trong đó có du lịch, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) Bùi Tất Thêm cho biết, Hạ Mỗ là miền đất cổ, có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời và trở thành điểm du lịch được UBND thành phố công nhận. Lợi thế này giúp xã củng cố, đầu tư xây dựng kiểu mẫu lĩnh vực này và đạt mục tiêu đề ra.

Với Sóc Sơn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn, ngay khi đạt nông thôn mới nâng cao, huyện chỉ đạo các xã rà soát từng tiêu chí, chọn lĩnh vực cơ bản đạt để củng cố và tiếp tục đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đông (xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn) Dương Đức Anh cho biết, thôn tuyên truyền, vận động nhân dân ra quân vệ sinh môi trường. Ngoài sự tham gia của các chi hội, đoàn thể, phong trào vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh lan tỏa đến từng gia đình, từng ngõ xóm. Bên cạnh đó, thôn Đông còn xã hội hóa nguồn lực để xây dựng cổng chào của thôn trị giá hơn 4 tỷ đồng; thôn cũng đã lắp đặt wifi phát internet miễn phí tại nhà văn hóa, khu vực công cộng để phục vụ người dân... Từ đó, góp phần cùng xã hoàn thành tiêu chí về y tế, văn hóa trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhận định, từ sự thành công của các huyện trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, rõ ràng, sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân là yếu tố quan trọng để sớm hoàn thành mục tiêu.