Chuyển đổi số ở khu vực nông thôn Hà Nội: Cú hích để đổi mới, phát triển bứt pháBài cuối: Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại
Hà Nội đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã, huyện. Hiện tại, thành phố chuyển sang cấp độ cao hơn, đó là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, chuyển đổi số là yêu cầu đặt ra để xây dựng mô hình thôn thông minh, tiến tới xây dựng xã thông minh nhằm nâng cao đời sống của người dân, giảm khoảng cách chênh lệnh giữa khu vực nông thôn với đô thị.
Để có cái nhìn bao quát về công tác chuyển đổi số ở khu vực nông thôn và giải pháp triển khai trong thời gian tới, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 thành phố Hà Nội.
- Thưa đồng chí, với vị thế là Thủ đô, công tác chuyển đổi số của thành phố Hà Nội có những thuận lợi, khó khăn gì so với các địa phương trên cả nước?
- Với vai trò là Thủ đô, hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi, nên việc chuyển đổi số được thành phố xác định phải là “đầu tàu” của cả nước. Do vậy, từ cuối năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27-9-2023 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hằng năm, thành phố đều cập nhật các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương về chuyển đổi số, ban hành các kế hoạch năm để triển khai thực hiện…
Xác định chuyển đổi số là việc mới, việc quan trọng, Hà Nội đã xây dựng một kế hoạch mang tính tích hợp từ cải cách hành chính, chuyển đổi số…, gồm 27 chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Đây là việc lớn và khó, nhưng thành phố quyết tâm cao.
Đặc biệt, trong tổ chức triển khai, thành phố vừa xây dựng và thực hiện các đề án, nhiệm vụ mang tính căn cơ, có tính chất nền tảng, định hướng, vừa khuyến khích các mô hình sáng kiến của các địa phương, đơn vị, với nhiều cách làm sáng tạo để không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu thành phố đặt ra, mà còn tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị, từ các cấp chính quyền đến người dân doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực xã hội trong công cuộc chuyển đổi số, lấy chuyển đổi số là phương thức và động lực để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông thôn, nông nghiệp nói riêng.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (“mức thu bằng không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến). Đồng thời, Hà Nội cũng là địa phương đang triển khai rất tích cực, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ thuộc Đề án 06 được Chính phủ, được các bộ, ngành ghi nhận, đánh giá cao...
- Trong số 30 đơn vị hành chính, Hà Nội còn tới 18 huyện, thị xã. Vậy công tác chuyển đổi số được triển khai như thế nào, thưa đồng chí”?
- Đúng vậy, là Thủ đô, nhưng Hà Nội lại có khu vực nông thôn rộng lớn nhất, nhì cả nước. Để nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực này và giảm sự chênh lệnh giữa khu vực nông thôn và đô thị, thành phố đã ưu tiên đầu tư cho các huyện thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có cả chuyển đổi số.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2023, thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% đơn vị cấp xã và cấp huyện. Bên cạnh đó, thành phố còn có 172 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đã được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia thành phố họp, bỏ phiếu đồng ý đề nghị trung ương xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023...
Ngoài ra, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao được thể hiện qua tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí số 14 về y tế có chỉ tiêu về tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám, chữa bệnh từ xa…; tiêu chí số 15 về hành chính công yêu cầu có ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên…
Hay như triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đòi hỏi các địa phương phải có mô hình thôn thông minh với các hoạt động giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội. Với sự định hướng của thành phố, sau nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều xã tiếp tục phấn đấu trở thành xã thông minh.
Từ kết quả nông thôn mới chúng ta có thể thấy, chuyển đổi số đã hiện diện trên khắp các vùng quê, khắp các lĩnh vực trong đời sống xã hội ở nông thôn Hà Nội.
- Chuyển đổi số là việc làm rất mới và quan trọng của thành phố, đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả chuyển đổi số ở khu vực nông thôn Hà Nội thời gian qua?
- Phát triển nông nghiệp số gắn liền với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm mà Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 và Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27-9-2023 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nội dung này thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.
Thực tế, việc chuyển đổi số tại khu vực nông thôn đã và đang diễn ra theo xu thế tất yếu và xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân. Nhiều người dân đã chủ động tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, như: Sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, bán hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng, thanh toán điện tử...
Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, bao gồm các nội dung xây dựng mô hình thôn thông minh, xã thông minh. Ngoài ra, nội dung thanh toán không dùng tiền mặt cũng được triển khai phổ biến tại các ngành, lĩnh vực và các địa phương, bao gồm khu vực nông thôn.
Đặc biệt, tại một số địa phương còn triển khai chợ, khu phố thông minh, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; các hộ kinh doanh cá thể đều đã thực hiện nộp thuế điện tử qua app eTax Mobile theo hướng dẫn của ngành Thuế…; một số đơn vị đã chủ động triển khai hạ tầng mạng không dây, phủ sóng di động phục vụ người dân, doanh nghiệp, khách du lịch...
- Vậy, để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, khu vực nông thôn nói riêng, hướng tới xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại như Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy đề ra, thành phố tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nào, thưa đồng chí?
- Để đạt được mục tiêu mà Thành ủy, UBND thành phố đề ra, Hà Nội đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi số khu vực nông thôn, trên cơ sở thực tế triển khai các nhiệm vụ, một số các giải pháp được quyết liệt thực hiện từ công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai, như: Thành phố đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành phố và các tổ giúp việc chuyên đề; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo bảo đảm công tác chỉ đạo thống nhất, tổng thể, thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành. Ban Chỉ đạo trực tiếp do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.
Trong Tổ giúp việc chuyên đề về chuyển đổi số, thành phố mời đại diện Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia về chuyển đổi số, về cải cách hành chính, tới các đồng chí trực tiếp tham gia công tác chuyển đổi số tại các thôn, tổ dân phố để bảo đảm nắm bắt chính xác các vướng mắc khó khăn từ người dân, cấp cơ sở, giúp công tác chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc khó khăn được kịp thời, hiệu quả, thiết thực.
Từ đó, góp phần triển khai thực hiện Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được thuận lợi. Bên cạnh đó, thành phố cũng tích hợp các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số thành một kế hoạch tổng thể bảo đảm công tác chỉ đạo, triển khai, theo dõi được thống nhất, xuyên suốt, gắn trách nhiệm chuyển đổi số theo từng ngành bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ.
Về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số tại các quận, huyện, thị xã tiếp tục được tăng cường. Ngoài ra, thành phố đang rà soát một số huyện khó khăn về nguồn lực, như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì… để hỗ trợ bổ sung, nâng cấp hạ tầng mạng nội bộ, trang thiết bị công nghệ thông tin tại trụ sở UBND và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã phục vụ công tác cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Với khu vực nông thôn Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông đã có hướng dẫn các huyện theo Chương trình xây dựng nông thôn mới về triển khai các mô hình thôn thông minh, xã thông minh, trong đó tập trung các nội dung phát triển kinh tế số và xã hội số. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số qua các trang, cổng thông tin điện tử của thành phố và các đơn vị, mạng xã hội (zalo, facebook,...), qua hệ thống thông tin cơ sở, thành phố tập huấn nội dung chuyển đổi số cho người dân trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai.
Đồng thời, chỉ đạo các huyện, xã duy trì các tổ chuyển đổi số cộng đồng để hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ số, nền tảng số, sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống hằng ngày.
Chuyển đổi số là cả quá trình, thành phố Hà Nội mong muốn nhận được sự đồng hành, vào cuộc của toàn bộ người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn với mục tiêu xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!