Chặn quảng cáo cá độ bóng đá
Những ngày qua, dư luận bàn về câu chuyện sóng truyền hình trực tiếp bóng đá bị lồng ghép quảng cáo cá độ bóng đá và làm thế nào để ngăn chặn quảng cáo cá độ bóng đá, giúp người hâm mộ môn thể thao vua có sóng “sạch” khi Giải bóng đá Euro cận kề.
Trước đó, đã có nhà đài bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính khá nặng bởi không kiểm soát chặt chẽ khi tiếp sóng giải thể thao từ nước ngoài, để lọt quảng cáo cá độ bóng đá lên truyền hình.
Ở nhiều nước, cá độ bóng đá được cho phép, vì thế quảng cáo cho hoạt động này là bình thường. Còn tại Việt Nam, pháp luật không cho phép, nên hoặc là nhà đài phải mua sóng “sạch” không kèm quảng cáo để phát cho người xem hoặc dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nội dung quảng cáo không phù hợp.
Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề nhỏ trong vấn nạn cá cược bóng đá nói riêng, các giải thi đấu thể thao nói chung. Hay nói cách khác, đó là phần nổi của tảng băng chìm, bởi dù không được pháp luật cho phép nhưng nạn cờ bạc dưới hình thức cá độ thể thao vẫn diễn ra khá phổ biến.
Người ta có thể cá độ bất kỳ giải thể thao nào chứ không riêng bóng đá, thậm chí cả những giải đấu có tên rất lạ chưa từng nghe tới. Người ta không chỉ cá độ tỷ số mà còn cá độ dưới nhiều hình thức khác nhau, như bên nào giao bóng trước, bên nào ném biên trước, bên nào đá phạt trước… Nhiều khách cá cược còn được cấp riêng tài khoản để chơi.
Rất nhiều đường dây cờ bạc dưới hình thức cá độ thể thao có liên kết với nhà cái nước ngoài đã bị phát hiện, bóc gỡ trong thời gian qua. Số tiền đánh bạc qua các đường dây này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của internet, của công nghệ thông tin, các đường dây cá độ hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, địa bàn rộng, số người tham gia đông và khó triệt phá hơn.
Hậu quả của nạn cờ bạc nói chung và cá độ thể thao nói riêng vô cùng nặng nề. Đó là tình trạng bỏ bê lao động, lâm cảnh nợ nần, gia đình tan nát; đi cùng đối tượng tổ chức cá độ là đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, gây mất an ninh trật tự… Vì thế, cờ bạc nói chung và cá độ thể thao nói riêng là hoạt động phi pháp, phải bị đấu tranh, triệt phá.
Khi nhiều giải thể thao lớn đang đến gần, trong đó từ giữa tháng 6 tới là Euro 2024, lực lượng chức năng càng phải chú trọng hơn với tệ nạn cá độ, kiên quyết bóc gỡ và đưa ra xét xử nghiêm minh, thích đáng đối tượng tổ chức đánh bạc, bắt giữ cho được kẻ cầm đầu, chủ mưu.
Các vụ việc cần được thông tin công khai, rộng rãi để góp phần cảnh báo xã hội. Ngoài biện pháp nắm địa bàn, nắm đối tượng, cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng giải pháp công nghệ để theo dõi, truy xét các hình thức cá độ, từ đó phát hiện ra đường dây tổ chức cá độ…
Bên cạnh việc yêu cầu nhà đài, đơn vị phát sóng giải đấu thể thao theo dõi chặt chẽ, loại bỏ quảng cáo không phù hợp trên chương trình truyền hình, các đơn vị chủ quản và cơ quan chức năng cần chú ý quảng cáo cá độ, quảng cáo vi phạm pháp luật trên cả nền tảng mạng xã hội, mạng internet. Thực tế, quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội đang chiếm tỷ lệ khá lớn, đặc biệt là khó kiểm soát đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Cuối cùng, việc tuyên truyền về tác hại của cờ bạc nói chung, cá độ bóng đá nói riêng đối với mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ. Hình thức tuyên truyền cũng cần đa dạng, thông qua phương tiện thông đến các nền tảng mạng xã hội, internet... và phù hợp với từng đối tượng. Rõ ràng, để ngăn chặn được tệ nạn này cần sự chung tay của toàn xã hội.