Thế giới

Bầu cử nghị viện EU được kích hoạt khi các điểm bỏ phiếu ở Hà Lan mở cửa

Quỳnh Dương 06/06/2024 - 17:28

Ngày 6-6, cử tri thuộc 27 quốc gia thành viên EU bắt đầu đi bỏ phiếu để bầu chọn 720 đại biểu cho nhiệm kỳ 5 năm mới của Nghị viện châu Âu (EP).

3(1).jpg
Nhà lãnh đạo cực hữu Hà Lan Geert Wilders bỏ phiếu tại điểm bầu cử EU ở The Hague. Ảnh: Reuters

Đây là cuộc bầu cử nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979 và là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) năm 2020.

Cuộc bầu cử được kích hoạt tại Hà Lan, quốc gia đầu tiên trong số 27 quốc gia thành viên EU tiến hành bỏ phiếu và có 31 ghế tại EP. Các điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7h30 (giờ địa phương) đến 21h. Chỉ có một số điểm bỏ phiếu đặc biệt được phép mở cửa sớm hơn.

Các ứng cử viên năm nay, tập hợp trong 38 danh sách, được bầu theo phương thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp một vòng và quy tắc đại diện theo tỷ lệ. Số đại diện của mỗi quốc gia được phân bổ dựa trên quy mô dân số. Theo thông báo của EU, khoảng 373 triệu cử tri EU đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu. Cuộc bầu cử sẽ kết thúc ngày 9-6 và kết quả sơ bộ dự kiến sẽ được công bố vào tối cùng ngày.

Sau khi xác định được số phiếu, các nghị sĩ EU sẽ bầu Chủ tịch tại phiên họp toàn thể đầu tiên, từ ngày 16 đến 19-7. Kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban châu Âu sẽ được quyết định trong tháng 9.

Cử tri sẽ bỏ phiếu cho các đảng quốc gia thành viên mà phần lớn trong đó có liên kết với một nhóm chính trị châu Âu, chẳng hạn đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), đảng Đổi mới châu Âu (RE)... Các chủ đề quan trọng được cử tri quan tâm là di cư, quốc phòng và an ninh quốc tế, cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố cũng như biến đổi khí hậu.

Tại Hà Lan, lãnh đạo đảng Tự do cực hữu Geert Wilders được dự đoán sẽ giành thắng lợi. Điều này có ý nghĩa rất lớn với chính trị gia này khi ông từng thất bại trong cuộc bầu cử nghị viên EU trước đó vào năm 2019. Xu hướng ủng hộ các đảng cực hữu trong những năm gần đây cũng khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại về kết quả bầu cử lần này.

2 nhóm tập hợp các đảng cực hữu là Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), Bản sắc và Dân chủ (ID) có thể trở thành nhóm chính trị lớn thứ ba và thứ tư tại EP. Sự lớn mạnh của liên minh này có thể tác động đến chương trình nghị sự của EU, đặc biệt là nỗ lực của EU trong việc hỗ trợ Ukraine chống lại Nga trong cuộc xung đột.