Hà Nội bắt nhịp rất tốt với công nghiệp văn hóa
Sáng 6-6, trả lời chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Hà Nội đã bắt nhịp rất tốt với công nghiệp văn hóa.
Trao đổi về giải pháp phát huy vai trò của công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch được đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa xác định có 12 ngành công nghiệp văn hóa, trong đó, Bộ được giao trực tiếp chỉ đạo và quản lý nhà nước đối với 5 ngành: Quảng cáo, mỹ thuật - nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa.
Bộ trưởng cho rằng, du lịch văn hóa phải được coi là một trong những sản phẩm gia tăng, đóng góp nhiều hơn trong doanh thu du lịch. Để du lịch thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, đòi hỏi tính sáng tạo, nghệ thuật. Bộ trưởng cũng nhắc đến các sản phẩm du lịch văn hóa hiện hữu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, tháp nước Hàng Đậu để cho thấy Hà Nội đã bắt nhịp rất tốt với công nghiệp văn hóa.
Trước đó, trả lời đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) về giải pháp khắc phục tình trạng giá vé máy bay tăng cao làm giá tour du lịch trong nước tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không đứng ngoài cuộc. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ; tiến hành tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến các hiệp hội du lịch…
Bộ trưởng cho biết, theo tính toán, trong cơ cấu giá tour, giá vé máy bay chiếm 30-40% nên đã làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch. Trong khi đó, giá vé máy bay tăng hiện nay do phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở sân bay; giá đầu vào nhiên liệu; nhiều máy bay phải đi bảo dưỡng, bảo hành theo định kỳ nên số lượng máy bay hoạt động không nhiều...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề xuất và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá, phí điều hành khai thác tại các sân bay; đề nghị các hãng hàng không cố gắng bảo đảm có máy bay, tăng cường các chuyến bay đêm; đề nghị các doanh nghiệp lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, có thể kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu du lịch, có sự hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành... Những đề xuất trên đã được xem xét, chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này, theo đó, từ ngày 28-5, giá vé máy bay trên các tuyến đã bắt đầu "hạ nhiệt".
Phát biểu kết luận nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao với 45 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 37 ý kiến chất vấn, 8 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ trưởng liên quan quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Trong đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù. Cần khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sớm ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...