Đời sống

Thiết thực ngăn chặn bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em

Mai Hoa 06/06/2024 - 07:05

Thành phố Hà Nội có hơn 13 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 22 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, cần sự chăm lo của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Vì lợi ích tốt nhất của trẻ, thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, trong đó đặc biệt chú trọng đến hoạt động tư vấn tâm lý, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bắt nạt, xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

nhan-vien-trung-tam-cong-ta.jpg
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tiếp nhận thông tin, tư vấn, trả lời các cuộc gọi.

Trợ giúp kịp thời, hiệu quả

Bạo hành, xâm hại trẻ em luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội bởi hậu quả mà nó mang lại có thể khiến trẻ em bị tổn thương sâu sắc cả về thể chất lẫn tinh thần trước mắt cũng như lâu dài. Để bảo vệ trẻ em, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã đẩy mạnh công tác rà soát, tư vấn, hỗ trợ pháp lý, trị liệu tâm lý... Qua đó, đã góp phần xoa dịu những nỗi đau mà trẻ em bị bạo lực, xâm hại gặp phải.

Đơn cử trường hợp em Đ.T.N.L. (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai. Ngay khi nhận được thông tin từ Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 vào những ngày đầu tháng 4-2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã liên hệ với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Trì, đề nghị xác minh sự việc, phối hợp can thiệp, trợ giúp trẻ kịp thời. Cùng với đó, trung tâm thường xuyên liên hệ với gia đình của em để nắm bắt tâm lý, tư vấn phương pháp chăm sóc trẻ trong giai đoạn thai kỳ.

Quy trình tư vấn, trợ giúp này cũng được thực hiện tương tự với các em: L.T.N, nạn nhân bạo lực học đường tại Trường Trung học cơ sở Tân Minh (huyện Thường Tín); V.V.T.K, bị bạo lực học đường tại Trường Trung học cơ sở Đại Đồng (huyện Thạch Thất)… Nhận thấy các nạn nhân có những dấu hiệu bị tổn thương về tâm lý, trung tâm đã gặp gỡ, tư vấn cho các em, kết nối với Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để hỗ trợ trị liệu. Đồng thời, trung tâm vận động nguồn lực hỗ trợ các nạn nhân; thực hiện tư vấn cho những trẻ gây ra bạo lực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi và phòng ngừa bạo lực tái diễn.

Tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng

Tổng hợp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cho thấy, tính từ ngày 1-1-2024 đến ngày 26-5-2024, trung tâm đã tiếp nhận, can thiệp, trợ giúp cho 37 trường hợp là trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Bên cạnh công tác tư vấn, tham vấn, trang bị kiến thức kỹ năng sống, trung tâm còn vận động nguồn lực hỗ trợ cho một số trường hợp trẻ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí là 59 triệu đồng.

Nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, trung tâm tăng cường thực hiện truyền thông phòng ngừa, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực cho học sinh các trường học. Trong tháng 5-2024, trung tâm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo của 4 huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn và Thường Tín tổ chức thực hiện tư vấn, tham vấn cho 474 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt...

Theo Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Kiều Thị Hương, đến với buổi tư vấn, một số học sinh mang trong mình những tâm trạng, cảm xúc băn khoăn, lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, bằng những kiến thức, kỹ năng chuyên môn và nguyên tắc bảo mật thông tin, nhân viên tư vấn Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã tạo được sự tin tưởng đối với trẻ, giúp trẻ cởi mở, chia sẻ. Đối với những trường hợp đặc biệt như trẻ em có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, bên cạnh việc tư vấn trực tiếp cho các em, nhân viên tư vấn trao đổi, phối hợp với gia đình, nhà trường hoặc chính quyền địa phương để hỗ trợ các em kịp thời.

Nhờ được tiếp cận các dịch vụ của công tác xã hội thông qua hoạt động tư vấn, tham vấn, các em được giãi bày, chia sẻ về bản thân, từ đó có sự điều chỉnh tâm lý kịp thời, phù hợp. Không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng sống để bảo vệ bản thân trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, các em còn biết cách xử lý tình huống khi gặp khó khăn, biết được các địa chỉ đáng tin cậy, số điện thoại hỗ trợ để liên hệ khi cần trợ giúp như đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội: 0243.22.33.111…

Tất cả những hoạt động Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã và đang triển khai, nhằm giúp trẻ em được hỗ trợ một cách tốt nhất, từ đó vững vàng hơn trong cuộc sống, học tập.