Du lịch

Trong nền kinh tế số, ngành Du lịch càng phải chuyển đổi

Mai Hữu 05/06/2024 - 17:24

Chiều 5-6, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong nền kinh số, ngành Du lịch càng phải chuyển đổi.

vanhoa1.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) về nguyên nhân chưa triển khai được nguồn kinh phí chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã bố trí 300 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, kinh phí này không phải Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, mà là vốn điều lệ. Theo quy định, vốn điều lệ được bảo tồn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng theo sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, phần lãi được đưa ra chi phí cho tổ chức bộ máy, phần xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp thông qua tỷ lệ phần trăm đóng góp của ngành Du lịch qua phí, vé được Nhà nước thu lại.

“Trong đó chỉ có 150 tỷ đồng được gửi ngân hàng, 150 tỷ đồng đang còn lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói và cho biết, quỹ này hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập nên không tránh khỏi những vướng mắc.

Bộ trưởng khẳng định, đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên cách điều hành chưa hiệu quả, nên phải điều chỉnh cho phù hợp, tập trung xúc tiến, quảng bá hiệu quả hơn…

tathiyen.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Về vấn đề đầu tư các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt, quy mô lớn đẳng cấp khu vực và thế giới do đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau thời gian đại dịch Covid-19, nền kinh tế đất nước đã phục hồi, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tìm kiếm cơ hội đầu tư du lịch tại: Quảng Ninh, Phú Quốc, Cần Thơ. Việc cấp phép, tổ chức thực hiện đầu tư do địa phương và các ngành khác thực hiện.

Khi đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) chất vấn về việc chưa có bộ nhận diện bản sắc Việt Nam để phục vụ du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước đây, Bộ đã từng thực hiện đề xuất nhận diện quốc hoa, quốc phục nhưng không có quy định cơ quan nào có thẩm quyền công nhận. Do đó, Bộ trưởng mong Quốc hội bổ sung khoảng trống về mặt pháp lý này.

lethisongan.jpg
Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) chất vấn. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đối với vấn đề cơ sở dữ liệu ngành Du lịch được đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong nền kinh tế số, ngành Du lịch càng phải chuyển đổi. Thời gian qua, ngành đã đề xuất, được Chính phủ, Quốc hội bố trí dự án về chuyển đổi số trong du lịch từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên do chương trình chỉ kéo dài trong hai năm nên hiện phải dừng lại. Bộ trưởng cho biết cũng đã báo cáo Chính phủ cho phép lồng ghép vào nguồn vốn đầu tư công để triển khai thực hiện, tránh lãng phí nguồn vốn ban đầu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với Bộ Công an tích hợp, kết nối dữ liệu trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; thực hiện nâng cấp các website của ngành và kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung. “Bộ không thể đứng ngoài trong công cuộc chuyển đổi số, phải tranh thủ thành tựu này để bảo đảm tiện ích nhất cho du khách”, Bộ trưởng nói.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) về mở rộng chính sách miễn thị thực (visa) thu hút du khách quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều quốc gia khác sử dụng điều này như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được, từ đó đã sửa đổi một số luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch. Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả phương diện kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương.