Vùng Đồng bằng sông Hồng liên kết để cùng phát triển
Ngày 5-6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng với sự tham gia của các bộ, ngành và đại diện 11 tỉnh, thành phố trong vùng.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đây là vùng đi đầu về công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết cấu hạ tầng vùng đã được đầu tư phát triển mạnh.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Cùng đó, thu hút đầu tư nước ngoài của vùng lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Những nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp của vùng phải kể đến là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh.
Tuy nhiên, vùng đang đối mặt với những vấn đề như kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vai trò đặc biệt quan trọng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.
Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả, nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chưa mạnh, rõ nét.
Cùng với đó, chưa hình thành được những chuỗi giá trị và các cụm liên kết ngành; chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do, các vùng sản xuất nông sản tập trung...
Các đại biểu tham gia hội nghị có chung nhận định, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, cần có giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
Các địa phương trong vùng cần phát huy tối đa nguồn lực, thực thi hiệu quả chương trình hành động mang tính đột phá. Ngoài ra, cần tính toán, liên kết với nhau để cùng thống nhất đồng hành phát triển các sản phẩm thế mạnh chủ lực cho từng nhóm sản phẩm của vùng, từ đó xác định mô hình chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị phù hợp để khai thác giá trị sản phẩm tốt nhất.
Mặt khác, các doanh nghiệp kịp thời cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, điều chỉnh sản phẩm phù hợp, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; nghiên cứu, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội kinh doanh...