Xã hội

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng xã hội

Đình Hiệp 05/06/2024 - 10:50

Sáng 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam.

toan-canh-1.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân

Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến thương mại điện tử, Phó Thủ tướng khẳng định, thương mại điện tử sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng thương mại truyền thống.

“Từ năm 2006 đến nay, chúng ta có 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến thương mại điện tử. Điều đó cho thấy, chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện, có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các nghị định liên quan đến nội dung này”, Phó Thủ tướng thông tin.

hong-ha.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn.

Để bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù chúng ta đã có nhiều quy định nhưng việc luôn cập nhật, bổ sung để có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, chính sách là cần thiết.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu cho rằng, cần thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, bảo đảm hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó, quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị, Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ. Đồng thời, thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử.

truong-trong-nghia.jpg
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tranh luận. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến thu hút đầu tư, tham gia các Hiệp định thương mại (FTA), Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tham gia 16 FTA nhưng chúng ta chưa tận dụng được hiệu quả các hiệp định này. cũng cần nhìn nhận là lợi ích mang lại chưa lớn. Vì vậy, thời gian tới, cần triển khai nhanh chóng để đáp ứng các quyết định từ các hiệp định thương mại này.

Hơn nữa, thông tin về thị trường cũng như môi trường pháp lý của các nước tham gia FTA, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đầy đủ… Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết; đồng thời, cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước…

Đối với thu hút FDI, Phó Thủ tướng cho rằng, cần có tiêu chí chặt chẽ hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào công nghệ, cam kết nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.

Sử dụng công nghệ quản lý thương mại điện tử

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời làm rõ các nội dung liên quan đến sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia thương mại điện tử. Bộ trưởng khẳng định, cách tốt nhất là dùng công nghệ để quản lý.

nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng cho biết, trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm với hàng triệu quảng cáo nên không thể dùng sức người để quản lý. Thay vào đó, cần dùng công nghệ số để quản lý toàn diện, giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường. Bộ trưởng lấy ví dụ, có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, hàng giả, hàng nhái... Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và lọc các tài khoản có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.

dai-bieu.jpg
Các đại biểu tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-6. Ảnh: Quochoi.vn.
ha-anh-phuong.jpg
Đại biểu Hà Ánh Phượng (Đoàn tỉnh Phú Thọ) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn.

Về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như tài sản quan trọng nhất của cá nhân, nhất là các dữ liệu để xác định danh tính, như: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thương mại điện tử thời gian qua phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập, lưu trữ và xử lý ngày càng nhiều, kéo theo đó là nguy cơ lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng nói chung cũng như thương mại điện tử. Bộ cũng đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng, đánh giá xác nhận website bảo đảm an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gán nhãn tín nhiệm cho hơn 5.000 website chính thống; đồng thời, công bố các website lừa đảo.

Bộ cũng đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân như: Kiểm tra máy tính, điện thoại di động có bị nhiễm mã độc không; kiểm tra thông tin cá nhân có bị lộ, lọt không; kiểm tra một website có phải lừa đảo không trên Cổng khonggianmang.vn.

cong-thuong.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương tập trung cho 3 lĩnh vực chủ yếu gồm: Linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ cho dệt may; công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghệ cao.

Sau 6 năm, việc thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng; các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng đạt mục tiêu chưa cao… Do đó, thời gian tới, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; tăng cường phân bổ nguồn lực từ trung ương và địa phương; bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 40 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận (trong đó có 6 đại biểu tranh luận).