Thế giới

Italia: Gian lận thị thực di cư "đáng báo động" do tội phạm có tổ chức

Kim Phượng 05/06/2024 - 07:21

Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 4-6, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho rằng các băng nhóm tội phạm đang khai thác những lỗ hổng trong hệ thống thị thực của Italia để buôn lậu người nhập cư bất hợp pháp, một vấn đề mà công tố viên chống Mafia nên điều tra.

image_2024_06_04_23_46_03.jpg
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni phát biểu tại sự kiện bế mạc chiến dịch tranh cử Nghị viện Châu Âu tại Piazza del Popolo, ở Rome, Italia, ngày 1-6. Ảnh: Reuters.

Với lập trường cứng rắn về nhập cư, chính quyền của Thủ tướng Meloni đã thông qua một loạt biện pháp nhằm hạn chế lượng người di cư và mở rộng các kênh nhập cư hợp pháp để đối phó với tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng.

Năm ngoái, Rome đã tăng hạn ngạch cấp thị thực làm việc cho các công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU) lên tổng số 452.000 trong giai đoạn 2023-2025, tăng gần 150% so với ba năm trước đó. Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, Italia chỉ cấp 30.850 thị thực.

Theo Thủ tướng Meloni, dữ liệu "đáng báo động" đã xuất hiện từ việc giám sát thị thực, cho thấy một số khu vực, đặc biệt là khu vực phía Nam của Campania đã nhận được số lượng đơn xin việc không tương xứng so với số lượng nhà tuyển dụng tiềm năng. “Đối mặt với số lượng lớn đơn đăng ký, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người nước ngoài có thị thực được ký hợp đồng làm việc, chưa đến 3% ở Campania”.

Bà cho biết đây là bằng chứng cho thấy "các nhóm tội phạm có tổ chức" đã thâm nhập vào cơ quan quản lý đơn xin thị thực cho những người di cư không có quyền vào Italia, với một khoản phí khoảng 15.000 euro (16.300 USD).

Bà Meloni cho biết đã thông báo cho công tố viên chống Mafia quốc gia và tuyên bố sẽ thông qua các biện pháp mới nhằm hạn chế hoạt động này sau hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 tại Italia vào ngày 13 đến 15-6.

Ero Straniero, một nhóm chiến dịch vận động hành lang cho các chính sách nhập cư tự do, cũng cho biết hệ thống thị thực dễ bị gian lận. “Vào năm 2023, thị thực lao động cao gấp sáu lần so với hạn ngạch do chính phủ đặt ra và chỉ 23,52% đã chuyển sang giấy phép cư trú và việc làm ổn định, thường xuyên”, Ero Straniero nêu rõ.

Dữ liệu của Bộ Nội vụ cho thấy số người di cư trái phép đến Italia bằng đường biển đã giảm hơn một nửa trong năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 21.574 người.