Ngày Môi trường thế giới 5-6: Chung tay vì không khí sạch, thành phố xanh
“Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh” là thông điệp được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6-2024.
Qua thông điệp, thành phố mong muốn nhận được nhiều sáng kiến hay từ các tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia, đồng thời lan tỏa hành động bảo vệ môi trường đến người dân trên địa bàn Thủ đô…
Ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi khẳng định, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và khí hậu, nhất là vấn đề ô nhiễm không khí có nguy cơ gia tăng. Đây là điều đáng lo ngại cho sức khỏe người dân Thủ đô, vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết.
Về tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội, ông Tôn Tuấn Nghĩa, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ, Hà Nội là thành phố đứng thứ 8 trên thế giới về ô nhiễm không khí. Trung bình hằng năm, bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội cao gấp 9 lần tiêu chuẩn thế giới. “Mỗi năm ở Việt Nam có ít nhất 70.000 người tử vong vì căn bệnh liên quan đến hô hấp, do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm và thiêt hại về kinh tế - xã hội khoảng 13 tỷ USD/năm, tương đương 4% GDP của đất nước. Do vậy, không khí sạch là điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Tôn Tuấn Nghĩa nhấn mạnh.
Phân tích nguyên nhân, một số chuyên gia môi trường cho rằng, nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ ngành sản xuất công nghiệp, chiếm 35%; phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch 25%; xây dựng, đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp 22%...
Cùng hành động quyết liệt
Trước thực trạng này, tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Trưởng đại diện Thường trú cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, Hà Nội cần ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Bởi, không khí ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống, từ sức khỏe đến kinh tế và cả phúc lợi của các thế hệ tương lai.
Còn Giám đốc Tổ chức Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng Đỗ Vân Nguyệt khẳng định, Hà Nội cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan, như: Chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức phi chính phủ trong nước, quốc tế cùng cam kết thực hiện mạnh mẽ các biện pháp quản lý và xử lý nguồn phát thải gây ô nhiễm để xây dựng thành phố xanh, sạch...
Bên cạnh đó, một số chuyên gia đề xuất, Hà Nội cần có công trình nghiên cứu chuyên sâu, bài bản về nguồn phát thải để có được số liệu cụ thể mang tính khoa học về lĩnh vực môi trường. Từ đó, thành phố đặt ra mục tiêu giảm nguồn phát thải theo lộ trình từng năm, 5 năm và 10 năm là bao nhiêu. Từ mục tiêu này, Hà Nội mới phân bổ chỉ tiêu giảm phát thải cụ thể cho từng ngành nghề, quận, huyện, thị xã…
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng chất lượng không khí, thành phố giao các sở, ngành kiểm kê, lượng hóa các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí để xử lý. Thành phố cũng sẽ rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách quản lý, phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường, cơ chế khuyến khích sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chạy xe trong các đô thị; đầu tư phát triển giao thông công cộng trong các đô thị; xây dựng cơ chế, chính sách về kiểm định, kiểm soát khí thải từ phương tiện cơ giới đang lưu hành... Trong sản xuất công nghiệp, thành phố tái cấu trúc ngành kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu tốn ít năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi làng nghề theo quy định…
Tuy nhiên, đó là giải pháp lâu dài. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đẩy mạnh phong trào "Chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh" đến mọi người dân. Theo đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cam kết phát động đến mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trồng thêm một cây xanh, mỗi cơ sở hội chăm sóc một công trình cây xanh, phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng cách; tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác… Đồng thời, mỗi hội viên phụ nữ sẽ là một tuyên truyền viên, tích cực lan tỏa những hành động đẹp để bảo vệ môi trường.
Với việc chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ môi trường của các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học cùng hành động quyết liệt của chính quyền, hội, đoàn thể…, hy vọng chất lượng môi trường nói chung và chất lượng không khí nói riêng ở Hà Nội ngày càng sạch và xanh hơn.
Ngày Môi trường thế giới 5-6 là ngày lễ quốc tế lớn nhất dành cho môi trường. Được dẫn dắt bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và được tổ chức hằng năm từ năm 1973, ngày này đã phát triển thành nền tảng toàn cầu lớn nhất để lan tỏa thông điệp về môi trường với sự tham gia hàng triệu người trên toàn thế giới.