Thương mại điện tử đang đối mặt 3 thách thức lớn
Chiều 4-6, tại kỳ họp thứ bảy, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử đang đối mặt với các thách thức lớn từ mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng và thất thu thuế.
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) và đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) về phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử đang đối mặt với 3 thách thức lớn; trong đó, người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân và hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp.
Cũng theo Bộ trưởng, tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề này và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, nghị định hướng dẫn thi hành luật, trong đó, có bổ sung nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ngày 1-7-2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, Bộ trưởng kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ Công an xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật bao phủ toàn diện các lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông về các quy định pháp luật mới; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh xây dựng quy tắc bảo mật thông tin; yêu cầu các sàn giao dịch điện tử công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng...
Về giải pháp chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ thường xuyên khuyến nghị người sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử; có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử...
Bộ Công Thương cũng triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng năm 2023, Bộ đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.
Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Khanh (Đoàn Ninh Bình) về việc công khai các website bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể.
Trong đó, khi có trên 50 ý kiến phản ánh trở lên, Bộ sẽ yêu cầu chủ sở hữu website giải trình, làm rõ phản ánh của người tiêu dùng, sau đó mới công khai trên Cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử…, qua đó, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) về việc cần thiết và có cơ chế giám sát vấn đề ký cam kết "nói không với hàng giả" trong thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận trong hoạt động thương mại điện tử cần giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Trong đó, các sàn thương mại điện tử ký cam kết là một trong những biện pháp quan trọng giúp nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử; thể hiện quyết tâm và cam kết tích cực phối hợp với ngành công thương trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cụ thể, đăng những logo "nói không với hàng giả" trên các sàn; xây dựng, đăng tải trên website về quy trình tiếp nhận, xử lý, phản ánh khiếu nại về hàng giả để triển khai các biện pháp kỹ thuật, bộ lọc từ khóa nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm vi phạm trên website, ứng dụng…
Bộ trưởng cũng cho rằng, tình trạng kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng diễn ra một phần do các quy định, trách nhiệm và chế tài xử lý đối với hành vi này còn thiếu và chưa đủ mạnh. Vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, dự kiến trong tháng 6-2024 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ trong quý III năm nay.