Chính trị

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn, có tương tác hai chiều

Bảo Hân - Tiến Thành 04/06/2024 - 12:14

Sau phần đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trong sáng nay (4-6), bên hành lang kỳ họp, một số đại biểu Quốc hội đánh giá cao các câu hỏi và phần trả lời của Bộ trưởng.

nguyen-chu-hoi.jpeg
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng). Ảnh: Q.Thành.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng):
Cần giải pháp cụ thể để giám sát việc thực hiện “lời hứa” của trưởng ngành

Các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên môi trường vẫn là vấn đề nóng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Ngay đầu phiên chất vấn, đã có hơn 100 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi, ngoài ra, số đại biểu tranh luận cũng khá nhiều. Điều này cho thấy sự quan tâm, nhu cầu của đại biểu Quốc hội muốn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời thỏa đáng, sát với tình hình thực tiễn.

Phiên chất vấn đầu tiên thể hiện tinh thần cởi mở, thẳng thắn, có tương tác hai chiều - đây là yếu tố quan trọng, cần tiếp tục được phát huy.

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã nắm tương đối bao quát vấn đề của ngành, bám sát các câu hỏi của đại biểu. Chính vì thế, cơ bản những câu hỏi được Bộ trưởng trả lời bằng cách nêu ra nhiều giải pháp. Các giải pháp cụ thể được nêu ra giúp sau phiên chất vấn này, chúng ta có những hành động cụ thể hơn, giám sát việc thực hiện “lời hứa” của các vị trưởng ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với vấn đề quản lý tài nguyên biển được nhiều đại biểu nêu, chúng ta cần nhìn nhận, nguồn tài nguyên này đang bị suy kiệt theo thời gian, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là do biến đổi khí hậu. Biển đang tiếp tục bị "đầu độc” bởi các nguồn ô nhiễm khác nhau, trong đó, có rác thải nhựa và đất đèn. Việc khai thác tài nguyên cũng tác động rất quan trọng đến môi trường, trong đó có hoạt động khai thác cát ở các vùng cửa sông, đồng bằng.

Nhiều đại biểu băn khoăn về việc sử dụng cát biển mặn khi làm nền móng công trình sẽ gây nhiều hệ lụy sau khi công trình được phủ kín.

Về nội dung này, trên thế giới, khi sử dụng bùn cát mặn phải kèm theo biện pháp khử muối. Đây là công nghệ không khó, tuy nhiên, ở nước ta, với khối lượng cát lớn, phải xử lý trong thời gian ngắn để đáp ứng tiến độ công trình, nếu quy trình không được tuân thủ đúng, nguồn cát này vẫn sẽ bị nhiễm mặn. Các hệ lụy xảy ra đã được các đại biểu nêu, hiện ở quy mô nhỏ và cục bộ. Ngoài ra, đại biểu lưu ý việc khai thác cát biển cần được thực hiện ở ngoài khu vực chân châu thổ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương):
Cần quan tâm 3 nội hàm căn bản của an ninh nguồn nước

db-nqh.png
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương).

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, các đại biểu đã đặt câu hỏi sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề, không có câu hỏi nào ngoài nội dung chất vấn. Mặc dù, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nắm giữ cương vị này chưa lâu nhưng đã nắm rất chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề về an ninh nguồn nước, khai thác khoáng sản. Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng.

Đối với việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp các công trình giao thông, đây là vật liệu mới, nên không thể khẳng định chắc chắn 100% không ảnh hưởng đến môi trường, chúng ta sẽ có biện pháp điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Tại phiên chất vấn này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã trả lời thẳng thắn về việc này.

Về vấn đề an ninh nguồn nước được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, tôi cho rằng, Bộ trưởng cần quan tâm đến 3 nội hàm căn bản: Bảo đảm số lượng nước cho tất cả các đối tượng, thành phần kinh tế; giảm thiểu rủi ro về nước và ô nhiễm nguồn nước; bảo đảm sử dụng công bằng, hiệu quả lượng nước.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 nội hàm trên, cần xem xét đến thể chế, thiết chế, phương pháp để vận hành toàn bộ hệ thống. Đây là vấn đề không chỉ làm xong trong một sớm một chiều, mà cần thời gian để đưa ra được chương trình mang tính bao trùm.