Mỹ sắm vai hóa giải
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây bất ngờ không nhỏ khi đưa ra sáng kiến ngoại giao mới nhằm chấm dứt cuộc chiến giữa Hamas và Israel ở Dải Gaza.
Theo những gì đã được phía Mỹ công bố cho đến nay thì đề nghị hòa bình này gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên kéo dài 6 tuần, gồm những nội dung chính: Ngừng chiến đầy đủ và toàn diện, quân đội Israel rút ra khỏi những khu vực đông dân ở Dải Gaza, Hamas trao trả một số con tin, Israel trao trả một số tù nhân người Palestine; tăng cường cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, bắt đầu công việc dọn dẹp đổ nát và đàm phán về giai đoạn hai giữa Hamas và Israel.
Giai đoạn hai cũng kéo dài 6 tuần, gồm việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự, Hamas trả tự do cho tất cả các con tin và binh lính Israel, Israel rút hết binh lính ra khỏi Dải Gaza. Giai đoạn ba kéo dài từ 3 đến 5 năm, nhằm đến mục tiêu tái thiết Dải Gaza.
Sáng kiến hòa bình này của ông Joe Biden được nhiều quốc gia trên thế giới tán đồng. Phía Hamas và Israel chưa thể hiện phản ứng chính thức nhưng cũng đã phát đi những tín hiệu phản hồi tích cực đầu tiên.
Đối với cả hai bên, đề nghị hòa bình này của ông Joe Biden chắc chắn không đáp ứng hoàn toàn mọi yêu cầu, điều kiện tiên quyết mà họ kiên định bám giữ lâu nay, có nghĩa không phải là một giải pháp tối ưu đối với họ, nhưng lại có thể giúp cả hai không bị tiếp tục sa lầy và lún sâu hơn nữa vào cuộc chiến tranh này.
Sáng kiến hòa bình này của ông Joe Biden hoàn toàn không đề cập gì đến cuộc xung khắc giữa Israel và Palestine, cũng như đến việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng để ngỏ câu hỏi về ai sẽ quản lý Dải Gaza trong tương lai và Hamas có vai trò gì không.
Trở ngại lớn nhất đối với đề nghị này của ông Joe Biden là phía Israel không muốn có ngừng chiến lâu dài khi chưa tiêu diệt được hoàn toàn Hamas, tức là Israel hiện tại vẫn chưa đạt được hết mọi mục tiêu đề ra cho lần chiến tranh này với Hamas. Trong khi đó, phía Mỹ lại cho rằng Israel đã đạt được gần hết mọi mục tiêu đề ra và Hamas tuy chưa bị xóa sổ nhưng không còn có đủ năng lực về quân sự để đe dọa Israel. Tình cảnh này có thể khiến bất đồng quan điểm trong nội bộ Chính phủ Israel sẽ thêm trầm trọng.
Trở ngại thứ hai là phía Hamas không thấy sáng kiến của ông Joe Biden có sự bảo đảm cho Hamas vẫn tiếp tục là một lực lượng chính trị và quân sự ở Dải Gaza. Cả Hamas và Israel chắc chắn sẽ còn "làm mình làm mẩy" và đòi phải có sửa đổi, bổ sung một số chi tiết nhất định cho đề nghị hòa bình của ông Joe Biden nhưng rồi cuối cùng sẽ chấp nhận nó.
Cả hai sẽ phải chấp nhận nó, bởi chỉ như thế Hamas mới bảo toàn được lực lượng ở Dải Gaza và buộc Israel cũng phải chấp nhận sáng kiến này của ông Joe Biden để chấm dứt cuộc chiến. Israel phải chấp nhận nó vì áp lực từ thế giới bên ngoài đòi hỏi Israel phải chấm dứt chiến tranh, vốn đang ngày càng gia tăng và dẫn đến những diễn biến bất lợi cho Israel. Và, bởi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Israel nên Israel vẫn phải lệ thuộc vào Mỹ về an ninh, cũng bởi theo sáng kiến này thì Israel tuy chưa tiêu diệt được Hamas nhưng Hamas cũng gần như không thể trở lại quản lý Dải Gaza được như trước.
Với việc sắm vai hóa giải cuộc chiến tranh ở Dải Gaza, ông Joe Biden có thể xoay chuyển tình thế đối nội hiện bất lợi ở Mỹ liên quan đến sự ủng hộ quá thiên vị dành cho Israel và hiệu ứng từ đó có lợi cho ông trong cuộc vận động tranh cử tổng thống. Sáng kiến ấy còn có thể giúp Mỹ khôi phục và tăng cường vai trò cũng như ảnh hưởng chính trị thế giới ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.