Văn hóa

Một không gian cho mộc bản Thanh Liễu hồi sinh

Trương Quỳnh Anh 03/06/2024 - 20:16

Chuỗi chương trình “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” đang diễn ra tại Phường Bách Nghệ - Trung tâm Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt (quận Hà Đông) mở ra một không gian sáng tạo mới mẻ trong việc hồi sinh làng nghề Việt.

anh-1-nghe-nhan-lang-nghe-thanh-lieu-thuc-hien-khac-moc-ban-truc-tiep-tai-su-kien..jpg
Các nghệ nhân thực hành chạm khắc mộc bản Thanh Liễu. Ảnh: Quỳnh Anh

Lần đầu tiên, những thông tin về mộc bản Thanh Liễu (phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) được giới thiệu đầy đủ và sâu rộng cho đông đảo công chúng.

anh-2-khong-gian-trung-bay-cac-tac-pham-in-tu-moc-ban-tai-su-kien..jpg
Không gian trưng bày mộc bản Thanh Liễu tại phường Bách Nghệ. Ảnh: Quỳnh Anh

Trong quá trình hình thành, phát triển, làng Thanh Liễu đã khắc in được rất nhiều sản phẩm đa dạng như kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, bùa, ấn, giấy tiền vàng mã...

Đặc biệt, bằng kỹ thuật khắc mộc bản tinh xảo của làng đã tạo ra 3 khối mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương là mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và mộc bản trường học Phúc Giang. Nghề khắc mộc bản tại làng bắt đầu mai một khi kỹ thuật in của phương Tây du nhập vào Việt Nam. Hiện nay, chỉ còn 4 hộ gia đình tại làng tiếp tục kế thừa, phát triển nghề khắc in truyền thống.

Theo nghệ nhân Nguyễn Công Đạt, một người gắn bó với làng nghề Thanh Liễu, mộc bản Thanh Liễu được sử dụng chất liệu phổ biến là gỗ thị. Ưu điểm của gỗ thị là rất mịn, cứng nên thích hợp để chạm khắc những đường nét mảnh, sắc nét, tinh tế. Loại gỗ này có độ bền rất cao, nếu bảo quản tốt có thể lưu trữ và sử dụng từ 300 đến 500 năm.

Mộc bản Thanh Liễu còn đặc biệt ở chỗ là sự tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ, những đường vát nhọn được khắc rất mảnh nên khi được in ra giấy sẽ có một nét đẹp rất riêng mà các công nghệ khắc, in ấn hiện đại như CNC, laser... khó có thể làm được.

anh-3-nghe-nhan-nguyen-cong-dat-chia-se-ve-moc-ban-thanh-lieu..jpg
Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt trình bày quá trình làm mộc bản Thanh Liễu. Ảnh: Quỳnh Anh

Nói về những khó khăn của làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt chia sẻ, việc bảo quản các hiện vật mộc bản cổ còn tương đối thô sơ (lưu trữ trong tủ kính, nơi khô thoáng) nên dễ bị bào mòn, xuống cấp do thời gian. Bên cạnh đó, nghề đang thiếu lớp kế cận, không còn nhiều nghệ nhân có tay nghề giỏi để duy trì.

“Nếu một thời gian dài nghệ nhân không thực hành làm nghề thì sẽ phải mất từ nửa tháng đến một tháng mới có thể làm quen và thuần thục trở lại. Đây là khó khăn trong duy trì nghề chạm khắc mộc bản”, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt bày tỏ.

Theo Ban tổ chức, chuỗi sự kiện “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” diễn ra xuyên suốt đến cuối tháng 6 với nhiều chuyên đề đa dạng khác nhau. Tại không gian sáng tạo Phường Bách Nghệ, người dân, du khách được trải nghiệm các công đoạn thực hành. Đây là cách để các nghệ nhân truyền lửa trong việc giữ gìn, bảo tồn giá trị làng nghề cũng như lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhịp sống đương đại.

Không gian văn hóa sáng tạo Phường Bách Nghệ do Trung tâm Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt sáng tạo. Người đứng đầu là anh Nguyễn Quý Đức, người đã có 17 năm gắn bó với các làng nghề truyền thống. Anh Nguyễn Quý Đức đã tập hợp nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với văn hóa Việt Nam xây dựng không gian sáng tạo với nhiều hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn, khôi phục các làng nghề Việt.