Ánh sáng soi đường cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người để lại nhiều di sản vô cùng quý báu, trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế không chỉ trực tiếp góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là ngọn đuốc soi đường cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để chúng ta thấm nhuần tư tưởng, thêm quyết tâm và sức mạnh đưa đất nước phát triển sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới như Bác hằng mong muốn.
Nét đậm trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm nhiều nội dung rộng lớn, nổi bật là quan điểm về sự cần thiết đoàn kết quốc tế; lực lượng và hình thức tổ chức đoàn kết quốc tế; các nguyên tắc đoàn kết quốc tế... Hơn nữa, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của Việt Nam muốn đi đến thắng lợi thì phải huy động và tập hợp được sức mạnh đoàn kết quốc tế. Trong hành trình tìm đường cứu nước, lý tưởng cách mạng của Người không chỉ dừng lại ở giải phóng dân tộc mình mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc và nhân loại cần lao khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945, mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, niềm vui độc lập của nhân dân Việt Nam được hưởng chưa lâu, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Ngay sau khi “Toàn quốc kháng chiến” bùng nổ (19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm cách mở thông con đường ngoại giao sang một số nước. Đặc biệt, đầu năm 1950, nhận lời mời của Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức sang thăm Trung Quốc, Liên Xô. Người gặp gỡ các nhà lãnh đạo hai nước, trao đổi nhiều ý kiến về tình hình thế giới, tình hình Việt Nam nhằm đưa cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở Việt Nam tiến nhanh hơn nữa đến thắng lợi quyết định. Đây là những sự kiện ngoại giao quan trọng, thể hiện chiến lược đoàn kết quốc tế của Người. Từ đây, Việt Nam đã phá vỡ vòng vây của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, mở rộng hậu phương quốc tế, tạo hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Điều cần nhấn mạnh, cho đến lúc bấy giờ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thế giới công nhận. Do sự lớn mạnh của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và điều kiện quốc tế thuận lợi, ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố với các Chính phủ trên thế giới rằng: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”[1]. Đáp lại lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bốn ngày sau đó, Chính phủ các nước như Trung Quốc, Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Rumani, Ba Lan, Hunggari, Bungari, Anbani, Mông Cổ lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi ngoại giao này là kết quả của sự lớn mạnh của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, nâng cao uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế, phá vỡ thế bao vây của chủ nghĩa đế quốc đối với Việt Nam, đồng thời qua đó cho thấy thành công của chiến lược đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại Hội nghị chính trị đặc biệt (27-3-1964): “Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản; kiên quyết đấu tranh chống chính sách xâm lược và gây chiến của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ; thực hiện chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị và xã hội khác nhau; kiên quyết ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập dân tộc; ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”[2]. Thực hiện đường lối đối ngoại này, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân thế giới. Đặc biệt, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lĩnh vực đối ngoại đã góp phần tích cực vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chống chủ nghĩa đế quốc gây chiến, bảo vệ hòa bình chống chiến tranh, trong đó có sự ủng hộ tích cực đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Hình ảnh Hồ Chí Minh đã khắc sâu trong lòng nhân dân thế giới. Cùng với tên tuổi của Người, Việt Nam đã trở thành lương tri của loài người, trở thành khẩu hiệu tập hợp hàng triệu người trên thế giới thống nhất hành động cho hòa bình, hữu nghị, công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong cuộc đấu tranh chung này, sự đồng tình ủng hộ của nhân loại tiến bộ đã góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Soi sáng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, với chính sách đối ngoại rộng mở, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với tất cả các nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. Từ chủ trương rộng mở quan hệ đối ngoại của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), với những kết quả đối ngoại của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, đã củng cố những bước tiến vững chắc của Việt Nam theo phương châm “muốn là bạn với tất cả các nước” của Đại hội VII, “sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế” của Đại hội IX, “là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” của Đại hội XI và điều này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII (2016). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021), Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh chủ trương: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”[3].
Thực tế ngày nay cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, đặc biệt là tư tưởng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” là phù hợp với xu thế quan hệ quốc tế đương đại. Những quan điểm đó đã và đang được Đảng, Nhà nước Việt Nam quán triệt, vận dụng trong đường lối và thực tiễn đối ngoại hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo lập môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới cho sự phát triển của đất nước, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) khẳng định: “Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”. “Kết quả là, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Đặc biệt là, nước ta hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác”[4].
*
* *
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là một nội dung lớn trong toàn bộ di sản của Người để lại, đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong những năm tới, cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, kế hoạch đề ra, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, việc quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, qua đó từng bước nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, trước mắt là hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[5].
______
[1] Báo Sự thật, số 127, ngày 25-1-1950.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.282-283.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.117-118.
[4] Nguyễn Phú Trọng, Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Báo Nhân Dân, ngày 1-2-2024.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr.112.