Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ở khu vực nông thôn Hà Nội: Cú hích để đổi mới, phát triển bứt phá

Nhóm phóng viên 03/06/2024 - 06:08

LTS: Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số cùng vai trò “đầu tàu” của cả nước, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Trong những kết quả tích cực bước đầu đạt được có thể thấy, chuyển đổi số đang tạo cú hích cho khu vực nông thôn Thủ đô đổi mới, phát triển… Báo Hànộimới trân trọng gửi đến độc giả loạt bài viết: "Chuyển đổi số ở khu vực nông thôn Hà Nội: Cú hích để đổi mới, phát triển bứt phá".

nguoi-dan-xa-minh-tan-huye.jpg
Người dân xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm. Ảnh: Hữu Tiệp

Bài 1: Diện mạo mới ở các làng quê

Chuyển đổi số đã, đang len lỏi vào từng gia đình ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Bây giờ, người dân chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể mua bán hàng hóa trực tuyến, sử dụng mạng xã hội Zalo kết nối cộng đồng, giải quyết thủ tục hành chính công... Kết quả này trước hết nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị cùng sự chủ động của người dân Thủ đô. Đặc biệt, khi thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo diện mạo mới cho nhiều vùng quê…

Năng động hơn, linh hoạt hơn

Những ngày này, tại nhà văn hóa thôn Thanh Huệ Đình (xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) luôn nhộn nhịp người dân tới đọc sách, báo. Trưởng thôn Thanh Huệ Đình Nguyễn Văn Quyển hào hứng nói: “Ở đây, ngoài sách, báo in còn có tủ sách điện tử với hàng trăm ấn phẩm khác nhau. Mọi người cần đọc thể loại nào, chỉ cần quét mã QR là có thể chọn lựa được cuốn sách yêu thích”.

Tủ sách điện tử chỉ là một trong nhiều ứng dụng của chuyển đổi số đã và đang được triển khai tại vùng quê này. Theo Bí thư Chi bộ thôn Thanh Huệ Đình Nguyễn Văn Chính, năm 2023, thôn được chọn làm điểm xây dựng mô hình thôn thông minh. Thôn Thanh Huệ Đình đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số theo quy chuẩn, như: Lắp đặt internet không dây (wifi) miễn phí tại nhà văn hóa, trụ sở UBND xã; lắp đặt hệ thống camera an ninh; lập nhóm Zalo “Thôn Thanh Huệ Đình” và vận động mỗi gia đình có 1 người tham gia...

“Việc chung của thôn đều được đưa lên nhóm Zalo để mọi người cùng thảo luận, đưa ra giải pháp thực hiện. Đơn cử như lịch vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, thông báo mời họp… Từ khi có nhóm Zalo, thông tin được lan tỏa nhanh, lãnh đạo thôn xử lý công việc thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Chính chia sẻ.

Không riêng thôn Thanh Huệ Đình của huyện Sóc Sơn, chuyển đổi số được triển khai ở nhiều vùng nông thôn Hà Nội. Trưởng thôn Phú Đôi (xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên) Trần Văn Nội cho biết: “Trước đây, mỗi khi tổ chức họp dân cư, chúng tôi phải đến từng nhà để thông báo, rất vất vả. Giờ đây, chúng tôi chỉ cần soạn tin nhắn gửi trên các nhóm Zalo của thôn, xóm là mọi người biết và tham dự đầy đủ”.

Anh Trần Tuấn Hải, người dân thôn Phú Đôi chia sẻ, thôn có 500 hộ dân, nghề may màn và cơ khí phát triển. Do công việc bận rộn, mọi người ít có thời gian tới chơi nhà nhau hoặc quan tâm đến công việc của thôn, xóm. Từ khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, triển khai mô hình thôn thông minh, công nghệ thông tin phát triển, Phú Đôi như được tiếp thêm nội lực, tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn. Nhà nào có việc gì là được chia sẻ, giúp đỡ, động viên kịp thời.

Còn Bí thư Chi bộ thôn 6 (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) Nguyễn Như Xô hồ hởi nói: Để bảo đảm an ninh trật tự, thôn đã lắp đặt 20 camera an ninh trên các trục đường chính, ngã ba, ngã tư, nơi công cộng. Chi bộ thôn 6 đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vận động khoảng 100 hộ gia đình lắp đặt camera giám sát, cùng với lực lượng công an chính quy, an ninh thôn tạo thành hệ thống giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội cho khu dân cư. Với mô hình này, nhân dân yên tâm và góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng an toàn, văn minh, hiện đại…

Ngoài những tiện ích trên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều địa phương ở ngoại thành Hà Nội, người dân còn ứng dụng chuyển đổi số trong việc mở tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử. Nhiều chợ nông thôn ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên… đã thí điểm mô hình “chợ thông minh”, tiểu thương ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tại chợ Bái (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên), sau những ngày đầu bỡ ngỡ với việc chuyển đổi số, thì nay nhiều người đã xem việc thanh toán không dùng tiền mặt như là tất yếu. Ông Phạm Thành Chung, một tiểu thương tại chợ Bái cho hay: “Trước đây, con cháu làm ăn xa gửi tiền về, tôi đều phải ra ngân hàng, bưu điện để lĩnh, bất tiện trăm bề. Nay, sử dụng điện thoại thông minh, có đăng ký tài khoản ngân hàng, muốn chi tiêu gì, tôi chỉ cần quét mã QR hoặc nhập số tài khoản thanh toán, rất thuận tiện, an toàn”.

Từ những kết quả trên cho thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số đã và đang giúp người dân nông thôn thay đổi tư duy, năng động hơn, linh hoạt hơn trong phát triển kinh tế, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Những tiện ích của chuyển đổi số cũng giúp công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở thuận lợi hơn.

dinh-t7.jpg
Những tấm áp phích được treo ở vị trí dễ quan sát nhất tại Nhà văn hóa thôn Thanh Huệ Đình, xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn), để hướng dẫn người dân thực hiện các ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Hoàng Sơn

Nâng cao thu nhập cho người dân

Hội trưởng Hội Cắt may làng Táo (xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ) Nguyễn Văn Quỳnh hồ hởi cho biết: "Làng có 153/627 hộ làm nghề cắt may quần áo, trung bình mỗi tháng đưa ra thị trường khoảng 2 triệu sản phẩm các loại, doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Có được bước phát triển mạnh mẽ là nhờ các hộ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh. Với gia đình tôi, khoảng 3 năm gần đây, sản phẩm may mặc đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Kinh doanh trực tuyến hầu như không tốn chi phí, sản phẩm được bán trên toàn quốc, nên tiêu thụ rất tốt”.

Tương tự, chủ xưởng sản xuất giày thể thao ở xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) Phạm Văn Phòng chia sẻ: “Sử dụng công nghệ số, nền tảng bán hàng trực tuyến giúp gia đình tôi đổi đời. Thay vì ngồi chờ khách đến mua hàng như trước đây, nay ngày nào nhà tôi cũng nhận được nhiều đơn hàng qua kênh bán hàng trực tuyến trên Zalo. Việc bán hàng online có sự tương tác cao, sản phẩm bán chạy đã mang lại cho gia đình tôi động lực để sản xuất tốt hơn”.

Nhắc tới chuyển đổi số, chủ cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Nguyễn Minh Công ở xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên) cho hay: “Gia đình tôi chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế... Sản phẩm khá cồng kềnh, khó vận chuyển, nên chúng tôi rất ngại mang sản phẩm đi hội chợ quảng bá. Để tìm kiếm thị trường, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Người biết bảo người chưa biết, dần dần thành quen. Thông qua mạng internet, chúng tôi cập nhật hình ảnh, mẫu sản phẩm mới, thông tin về chất liệu gỗ, kiểu dáng, kích cỡ... với khách hàng, kết hợp giao hàng tận nơi. Nhờ đó, giá thành sản phẩm giảm, mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán”.

Cùng với gia đình anh Công, hàng nghìn hộ dân làm nghề ở Phú Xuyên đang tạo nên doanh thu từ khu vực làng nghề đạt hơn 5.000 tỷ đồng/năm. Ước tính, với việc duy trì phương thức bán hàng truyền thống kết hợp với trực tuyến, chỉ cần tăng trưởng 10-15%/năm, giá trị doanh thu từ các làng nghề của huyện Phú Xuyên sẽ tăng thêm 500-700 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân…

Ở góc độ khác, nhờ chuyển đổi số nên xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển du lịch cộng đồng… Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Lê Thị Chính cho biết, xã hiện có 98,5% số hộ gia đình có kết nối internet và dùng điện thoại thông minh; 7/7 thôn đã thiết lập các nhóm giao tiếp thông minh thông qua ứng dụng nhóm Zalo với 1.399 thành viên tham gia... Điều đáng kể, thông qua chuyển đổi số đã giúp Kim Sơn quảng bá, phát triển du lịch. Cụ thể, năm 2023, thôn Lòng Hồ của xã Kim Sơn đã được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch của thành phố, đánh dấu hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Phát triển du lịch vừa có nguồn thu từ lưu trú, vừa giúp địa phương giới thiệu, bán sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), như mật ong Kim Sơn, sữa bò tươi, ngọc trai...

Hay như ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vốn là điểm đến trải nghiệm hấp dẫn, ngày càng hút khách khi cả cộng đồng nơi đây tham gia làm du lịch. Từ những thanh niên làm video về cuộc sống thường nhật ở Đường Lâm đến những người bán chè, làm tương, làm kẹo cũng sẵn sàng “lên sóng” chuyên nghiệp, thân thiện, hồn hậu. Vẫn những nụ cười thôn dã ấy, qua công nghệ số trở nên gần gũi, có sức lan tỏa lớn trên không gian mạng, khiến ai cũng háo hức về Đường Lâm với không gian làng cổ xứ Đoài đặc trưng. “Việc truy cập thông tin điểm đi, điểm đến trên nền tảng số dễ dàng, chỉ cần vài thao tác, như quét mã QR, tôi đã có đủ thông tin, chỉ dẫn cần thiết để đến với làng cổ Đường Lâm”, chị Nguyễn Nguyệt Anh, khách du lịch từ tỉnh Ninh Bình, chia sẻ.

Gần chục năm nay, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Giám đốc Hợp tác xã Rau củ quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám tâm sự: “Khoảng 10 năm trước, nói đến công nghệ viễn thám trong dự thính, dự báo sâu bệnh hại, thời tiết trên đồng ruộng hay việc lắp hệ thống camera giám sát người trồng tuân thủ quy trình sản xuất an toàn đối với đa số nông dân là chuyện xa xỉ, thì nay đã là một phần tất yếu trong sản xuất của hợp tác xã chúng tôi. Câu chuyện sống hay chết, phát triển hay giải thể của các hợp tác xã kiểu mới hiện nay bắt đầu từ việc hội đồng quản trị hợp tác xã đó có dám thay đổi, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và quản lý hay không. Việc này, hợp tác xã của chúng tôi đã tiên phong áp dụng và thành công ngoài mong đợi, đem lại nguồn thực phẩm an toàn cho xã hội và nâng cao thu nhập cho thành viên”.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất đã áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng…, góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng. Đối với chăn nuôi, nhiều trang trại đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, hệ thống ăn uống tự động, quản lý vật nuôi bằng phần mềm. Từ năm 2016 đến nay, rất nhiều sản phẩm nông sản được gắn tem truy xuất.

Tiếp cận, làm chủ công nghệ số đang là yếu tố quan trọng để người dân ngoại thành thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị; đồng thời góp phần để nông thôn văn minh, hiện đại hơn, năng động hơn và giàu hơn…

(Còn nữa)