Ấn Độ đối phó với nắng nóng cực độ
Ấn Độ đang thích nghi với kỷ nguyên mới của nắng nóng nguy hiểm, trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao khiến quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch của quốc gia này trở nên khó khăn hơn.
Từ tháng 4, nắng nóng do biến đổi khí hậu đạt đến mức nguy hiểm ở Ấn Độ và một số quốc gia châu Á khác. Nhiều thành phố, bao gồm thủ đô New Delhi, từng ghi nhận nhiệt độ lên đến gần 50 độ C, buộc chính quyền địa phương phải khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài và đóng cửa trường học tại một số bang.
Ấn Độ đang phải chịu những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Đây là những yếu tố dẫn đến mất sinh kế, di dời bắt buộc và khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng mỗi năm.
Năm 2050, dự báo 148,3 triệu người Ấn Độ sẽ sống ở những điểm nóng về khí hậu khắc nghiệt. Ước tính cả năm, số ca tử vong do nắng nóng tại quốc gia này dao động từ vài trăm đến hàng chục nghìn người.
Theo New York Times, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên ở Nam Á xây dựng kế hoạch hành động chống nóng, khởi đầu ở thành phố Ahmedabad sau một đợt nắng nóng cực độ vào tháng 5-2010 khiến tỷ lệ tử vong tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch này bao gồm việc thiết lập hệ thống cảnh báo đến người dân khi nhiệt độ dự kiến tăng đến mức nguy hiểm, đào tạo nhân viên y tế về các bệnh liên quan đến nhiệt và mở các trung tâm làm mát. Nghiên cứu ước tính, các chương trình này cứu sống hơn 1.000 người mỗi năm.
Kể từ năm 2010, chính phủ Ấn Độ đã phối hợp hơn 20 bang và hơn 130 thành phố để xây dựng kế hoạch ứng phó với nhiệt độ cực đoan. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đồng đều do nhiều kế hoạch không được công khai, chưa tiếp cận được những nhóm dân cư dễ bị tổn thương hoặc thiếu nguồn lực để triển khai các giải pháp.
Chính quyền các địa phương vẫn đang nỗ lực thử nghiệm nhiều chiến lược. Điển hình như bang Telangana với chính sách hỗ trợ sơn hoặc lợp mái màu trắng có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời nhằm làm mát các tòa nhà, thành lập khu điều trị sốc nhiệt mới ở các bệnh viện lớn và tổ chức hội thảo về ứng phó với tình trạng nắng nóng cực độ.
Là nền kinh tế lớn, phát triển nhanh nhất thế giới, sự phụ thuộc vào than của Ấn Độ trong sản xuất điện là mối lo ngại chính đối với những nỗ lực hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.
Quốc gia đông dân nhất thế giới đang trong tình thế khó khăn khi cần thay thế than dù nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng. Nhiệt độ khắc nghiệt tạo gánh nặng lớn hơn do Ấn Độ thường phải đốt nhiều than để duy trì hoạt động thiết bị làm mát trên khắp đất nước. Hiện tại, chỉ 9% người Ấn Độ sở hữu máy điều hòa nhưng con số này có thể sẽ tăng gấp 9 lần vào năm 2050.
Theo Viện Phân tích tài chính và Kinh tế năng lượng (IEEFA), tín hiệu tích cực là công suất năng lượng tái tạo ở Ấn Độ đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Quý I-2024, 71,5% công suất điện mới được bổ sung xuất phát từ năng lượng tái tạo. Đây là lần đầu tiên than chiếm chưa đến một nửa tổng công suất điện của Ấn Độ kể từ thập niên 1960.