Tăng trưởng tín dụng thấp, vì sao?
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 10-5, tín dụng ngân hàng mới chỉ tăng 1,95% so với cuối năm 2023 - mức tăng rất thấp so với mục tiêu đã đề ra.
Để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm 2024, nâng cao sức khỏe của nền kinh tế, ngành Ngân hàng cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp...
Nhiều nguyên nhân tác động đến tăng trưởng tín dụng
Theo số liệu thống kê, tín dụng ngân hàng tăng dưới 2% trong hơn 4 tháng đầu năm 2024, với dư nợ tín dụng tăng thêm chỉ đạt 264.400 tỷ đồng, là kết quả không mấy khả quan với ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, xu hướng tăng trưởng tín dụng thấp không chỉ ở Việt Nam, mà là vấn đề chung của thế giới khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong nước, tín dụng tăng trưởng chậm do cầu yếu. 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận sụt giảm. Kết thúc tháng 2-2024, dư nợ tín dụng đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,87%). Đến cuối tháng 3-2024, tín dụng mới tăng trưởng 1,34%. Nhưng từ ngày 29-3 đến 10-5, tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng.
Thực tế, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.
Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho SME, Quỹ Phát triển SME... chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ cũng gặp vướng mắc khi triển khai. Cụ thể, với chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, các quy định liên quan đến dự án (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) chưa được tháo gỡ hiệu quả; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp. Các gói cho vay tiêu dùng gặp khó khăn khi thu nhập của người lao động sụt giảm, không có nguồn để trả nợ…
Về phía các ngân hàng thương mại, tín dụng tăng trưởng chậm còn do ngân hàng quá thận trọng trong cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Mặc dù nợ xấu đã được tổ chức tín dụng xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ ngân hàng. Đặc biệt khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế.
Giảm lãi suất để thúc tăng trưởng tín dụng
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay. Ngân hàng Nhà nước nỗ lực giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là những lĩnh vực là động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội...
Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp thiết thực, phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II-2024 ở mức 5-6%.
Theo bộ phận phân tích của Ngân hàng Maybank Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá việc tăng lãi suất thời gian qua (cùng với việc tiếp tục bán USD) có giảm bớt áp lực tỷ giá hay không, trước khi quyết định xem có cần tăng thêm lãi suất hay không.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng đánh giá nền kinh tế vẫn cần được hỗ trợ và yêu cầu các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng, lãi suất cho vay có thể được giữ ở mức thấp thông qua lãi suất ưu đãi cho các ngành ưu tiên. Các biện pháp chính sách tài khóa, bao gồm hoãn thuế và gia hạn giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến tháng 12-2024 cũng có thể được sử dụng để giảm bớt tác động.
Các chuyên gia dự báo, tốc độ bơm vốn ra nền kinh tế sẽ còn tăng trưởng lạc quan hơn nữa trong thời gian tới, dòng tiền sẽ đổ vào sản xuất, kinh doanh nhiều hơn so với nửa đầu năm 2024. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay…