Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đưa đón trẻ
Liên quan đến vụ cháu P.G.H (sinh năm 2019; trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) bị quên trên xe ô tô đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (tỉnh Thái Bình) dẫn đến tử vong, cơ quan công an đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can đối với lái xe, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 2 giáo viên của nhà trường.
Trong đó, lái xe đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 bị tạm giam để điều tra vì “vô ý làm chết người”.
Trước đó, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với nhân viên đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 vì “vô ý làm chết người”.
Trường hợp trẻ tử vong thương tâm này khiến dư luận nhớ đến 5 năm trước, một bé trai 6 tuổi ở thành phố Hà Nội cũng gặp nạn tương tự do sự tắc trách của giáo viên, lái xe. Đáng nói, rất nhiều bài học được rút ra sau đó về quy trình đưa đón, tiếp nhận, về trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân liên quan..., nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ, thế nhưng vẫn không thể ngăn chặn tái diễn vụ việc đau lòng tương tự.
Tất nhiên, với mức độ nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can là điều không tránh khỏi. Những người có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Song trách nhiệm đến đâu cũng không thể bù đắp nỗi đau cho gia đình nạn nhân, cái chết thương tâm của cháu bé cũng sẽ là nỗi ám ảnh dai dẳng với cộng đồng, xã hội.
Một lần nữa câu hỏi làm thế nào để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên được đặt ra. Rồi sẽ lại rà soát, xây dựng quy trình tiếp nhận, đưa đón học sinh giữa nhà trường và gia đình. Đây là điều cần thiết với tất cả các nhà trường, nhưng chắc chắn quy trình dù chặt đến đâu song nếu thiếu vắng trách nhiệm của những người liên quan, xác suất xảy ra những câu chuyện thương tâm như thế vẫn còn ở đó. Lái xe phải có trách nhiệm quản lý phương tiện, phải kiểm tra kỹ để bảo đảm không còn ai trên xe trước khi tắt máy, khóa cửa. Nhân viên đưa đón phải kiểm đếm số trẻ khi tiếp nhận và bàn giao cho giáo viên; kiểm tra kỹ lưỡng trên xe để bảo đảm không còn ai trước khi rời đi. Giáo viên phụ trách lớp sau khi tiếp nhận trẻ cần thiết phải điểm danh, đối chiếu danh sách, rà soát, báo cáo những trường hợp trẻ vắng mặt không lý do... Tất cả phải trở thành một quy trình chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt với trách nhiệm cao nhất. Bởi, trẻ em là đối tượng yếu thế, khả năng sinh tồn kém, chưa thể ý thức được sự nguy hiểm cũng như cách thức thoát khỏi sự nguy hiểm.
Cũng vì trẻ là đối tượng yếu thế nên gia đình, nhà trường cần thường xuyên chỉ dạy, hướng dẫn, cho trẻ thực hành cách thoát khỏi nguy hiểm; cách nhận biết nguy hiểm cũng như cách cảnh báo, kêu cứu khi cần sự giúp đỡ… Trên phương tiện đưa đón trẻ cần trang bị thiết bị giám sát, cảnh báo tự động khi còn có người trên xe hoặc vật dụng giúp trẻ bị quên trên xe có thể dùng để báo cho người có trách nhiệm. Ở góc độ quản lý, cơ quan chức năng nên ban hành quy định bắt buộc phương tiện đưa đón trẻ phải trang bị thiết bị an toàn cần thiết và thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch vụ đưa đón học, mà không nên phó mặc hết cho nhà trường.