Xe++

Các hãng ô tô Trung Quốc lo lắng về tương lai tại châu Âu

Hoàng Linh 01/06/2024 - 10:42

Ngày 1-6, Great Wall Motor (GWM) - nhà sản xuất ô tô lớn thứ 8 của Trung Quốc với doanh số hơn 1,2 triệu xe/năm - chính thức thông báo rút lui khỏi thị trường châu Âu do doanh số bán thấp và tương lai nhiều bất ổn.

ora_1.jpg
Tham vọng châu Âu của các hãng ô tô Trung Quốc đang vấp rào cản lớn. Ảnh: GWM

Theo Nikkei Asia, GWM đã thông báo sa thải toàn bộ 100 nhân viên và sẽ đóng cửa hoàn toàn văn phòng đại diện châu Âu tại thành phố Munich (Đức) kể từ ngày 1-8 tới.

GWM cũng đồng thời chấm dứt các dự án mở rộng kinh doanh tại Áo, Thụy Sĩ. Nguyên nhân được đưa ra là doanh số các loại xe điện quá thấp, ngay cả ở nền kinh tế số một và cũng là thị trường ô tô hàng đầu tại lục địa già.

Trước đó, GWM từng đặt kỳ vọng lớn vào việc mở rộng kinh doanh tại châu Âu nhờ những ưu thế đặc trưng của xe Trung Quốc như giá thành thấp, nguồn cung dồi dào...

Khi gia nhập thị trường châu Âu năm 2021, GWM chọn bắt tay với Emil Frey, nhà phân phối ô tô lớn nhất lục địa này để bán các mẫu xe Ora và Wey. Tuy nhiên, trong suốt năm 2023, hãng chỉ bán được 6.300 xe các loại, thấp hơn đáng kể so với dự tính.

Sự rút lui của GWM là một biểu hiện về những bất ổn trong tâm lý đầu tư của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại châu Âu lúc này. Theo giới chuyên môn, đây là diễn biến không khó hiểu, khi Brussels dự kiến sẽ tăng thuế với xe điện Trung Quốc kể từ ngày 5-6 tới, song song tiến hành hàng loạt động thái pháp lý khác đối với các nhà sản xuất ô tô từ nền kinh tế số một châu Á.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo ba nhà sản xuất xe điện khác của Trung Quốc là SAIC, BYD và Geely về việc chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho các cuộc điều tra về hành vi trợ giá không minh bạch.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là loại hình cảnh báo đặc trưng của châu Âu liên quan đến nỗ lực phòng vệ thương mại, thường dẫn tới những hình phạt nặng nề về tài chính. Nằm trong danh sách điều tra của Brussels đợt này còn có những cái tên khác như Nio hay Xpeng.

Trong khi đó, theo tính toán của hãng tin Reuters, cứ 10% thuế tăng lên tại Liên minh châu Âu so với mức 10% sẵn có, các nhà xuất khẩu xe điện Trung Quốc sẽ “thiệt” thêm 1 tỷ USD. Con số này sẽ càng tăng cao nếu lượng xe bán ra gia tăng.

Bên cạnh hàng rào thuế quan, nguy cơ bùng nổ tranh chấp thương mại là yếu tố khiến tương lai kinh doanh của các hãng ô tô Trung Quốc tại châu Âu đối mặt bất ổn.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU tuần trước cho biết, Bắc Kinh đang xem xét tăng thuế đối với nhập khẩu ô tô động cơ dung tích lớn - sở trường của các hãng xe sang châu Âu - lên 25%. Động thái này được dự báo có thể khiến căng thẳng giữa hai bên leo thang, dẫn tới nhiều hành động mang tính trả đũa trong tương lai. Trước đó, Mỹ cũng đã tăng gấp 4 lần thuế nhập khẩu đối với ô tô điện từ Trung Quốc, từ 25% lên 100%.

Cũng theo các ý kiến phân tích, việc vấp phải rào cản tại hai thị trường ô tô lớn có thể khiến các hãng ô tô Trung Quốc thời gian tới dành sự ưu tiên cao hơn cho thị trường Đông Nam Á và một số khu vực khác.