Lạm phát tại Eurozone vượt dự kiến
Tỷ lệ lạm phát hằng năm tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) tăng cao hơn dự kiến ở tháng 5, trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được cho là sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 6.
Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, giá tiêu dùng tại Eurozone đã tăng 2,6% trong tháng 5 so với 1 năm trước đó và cao hơn mức 2,4% được ghi nhận ở tháng 4. Con số này cao hơn khá nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.
Theo AFP, các quan chức ECB sẽ thất vọng trước dữ liệu mới nhất về lạm phát cơ bản, vốn đã loại trừ giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá dễ biến động. Dữ liệu cũng cho thấy, tỷ lệ lạm phát cơ bản đã tăng lên 2,9% trong tháng 5 từ mức 2,7% ở tháng 4.
Trước đó, các chuyên gia phân tích đã dự báo, giá tiêu dùng sẽ tăng lên mức 2,5% và lạm phát cơ bản ổn định. Tuy nhiên, những con số này vẫn khó có thể ngăn ECB cắt giảm mức lãi suất vào ngày 6-6.
Trong số những quốc gia thuộc Eurozone, Latvia và Phần Lan ghi nhận tỷ lệ lạm phát thấp nhất, với lần lượt 0,2% và 0,5% trong tháng 5. Giá cả ở Đức cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023, theo số liệu sơ bộ từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis). Với 4,9%, Bỉ là quốc gia có mức lạm phát cao nhất tại khu vực đồng tiền chung.
Từ tháng 7-2022, ECB đã mạnh tay tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng vọt nhưng vẫn giữ chi phí đi vay ổn định trong vài tháng qua do áp lực cắt giảm lãi suất ngày càng tăng.
Riccardo Marcelli Fabiani, nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics nhận định, sự gia tăng lạm phát tạm thời sẽ không thể ngăn ECB có động thái hạ lãi suất ngay trong tháng 6. Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ thận trọng hơn và khó có thể tiếp tục hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 7. Nguyên nhân là thiểu phát (cắt giảm lạm phát) bị gián đoạn, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ từng ghi nhận mức tăng giá lớn nhất 4,1% trong tháng 5 so với 3,7% của tháng trước đó.
Theo New York Times, các thống đốc ngân hàng trung ương sẽ họp vào tuần tới để ấn định lãi suất đối với 20 quốc gia sử dụng đồng euro. Nếu cắt giảm lãi suất, ECB sẽ trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên thực hiện động thái này, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương Anh (BOE) và nhiều ngân hàng khác nhanh chóng tăng lãi suất ở những năm gần đây nhằm mục đích kiềm chế sự gia tăng của giá tiêu dùng.