An toàn thực phẩm

Tháo gỡ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh 01/06/2024 - 06:50

Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn.

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15-4 đến 15-5) vừa qua, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó vẫn phát hiện nhiều vi phạm. Đáng nói hơn, qua kiểm tra cho thấy, công tác quản lý lĩnh vực này ở một số địa phương vẫn còn bất cập cần khắc phục.

sieu-thi.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Thường Tín kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm tại một siêu thị. Ảnh: Hương Giang

Thiếu cán bộ, thiếu kinh phí

Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Thẩm Ngọc Trung cho biết, hiện nay, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, thực phẩm trên địa bàn quận tương đối lớn nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở tuyến phường đều kiêm nhiệm (lĩnh vực công thương, nông nghiệp), thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên hạn chế trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Trong khi đó, công chức của phường và viên chức của các trạm y tế phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ, chưa tập trung thời gian cho công tác an toàn thực phẩm… Mặc dù việc xử lý vi phạm ở cấp phường được tăng cường hơn trước song chưa kiên quyết, đa số chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp.

“Các đối tượng kinh doanh vận chuyển gia cầm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Thêm khó khăn nữa là việc tiếp cận, kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh trực tuyến”, ông Thẩm Ngọc Trung cho biết thêm.

Cũng về vấn đề này, theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế huyện Ứng Hòa Trần Ngọc Long, hiện trên địa bàn huyện có 8.853 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đa số quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, phân bố rải rác trong các khu dân cư và trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong khi đó, nhận thức của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh còn hạn chế đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tại địa phương nổi lên vấn đề là tỷ lệ cấp giấy sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thấp, còn nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, rượu sản xuất chủ yếu bán tại làng, xã.

Qua kiểm tra công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các huyện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Văn Dũng cho biết, không chỉ thiếu nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, kinh phí chi cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm tại các địa phương cũng còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong Quyết định số 28/2022/QĐ-UBND ngày 24-6-2022 của UBND thành phố ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa nêu rõ khái niệm quy mô nhỏ lẻ nên khó khăn trong phân loại, phân cấp quản lý; thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm, vừa ảnh hưởng đến việc hướng dẫn, kiểm tra, vừa gây khó cho tổ chức, cá nhân trong việc tự công bố sản phẩm.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng cho hay, để tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, thời gian tới, huyện sẽ đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Trong đó, 100% bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn tại các trường học và công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề trên địa bàn sẽ được kiểm tra an toàn thực phẩm. Huyện sẽ tập trung kiểm tra về giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức, khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, lưu sổ sách theo dõi, chứng từ, hóa đơn liên quan đến thực phẩm…

Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với việc triển khai công tác an toàn thực phẩm ở các xã, thị trấn và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Huyện cũng tập trung kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có lượng cung cấp lớn trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm và công khai vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về yêu cầu sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; đề nghị các sở, ngành thành phố tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho lãnh đạo, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc cả 3 lĩnh vực: Y tế, nông nghiệp, công thương. Ngoài ra, huyện sẽ tham mưu thành phố hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng thực phẩm để phục vụ công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

Về lâu dài, các bộ, ngành cần thống nhất phương thức quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cấp huyện cấp đăng ký kinh doanh. Trong đó, đối với ngành Nông nghiệp, các cơ sở chế biến thực phẩm do cấp huyện cấp đăng ký kinh doanh vẫn phải thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm...