Du lịch

Nguồn nhân lực phục vụ mùa cao điểm du lịch hè: Chất lượng hơn số lượng

Hoàng Lân 01/06/2024 - 06:48

Mùa cao điểm du lịch hè năm nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp lữ hành đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực.

Bên cạnh việc các đơn vị nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng lao động, nhiều chuyên gia cũng đưa ra giải pháp nhằm tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được yêu cầu.

du-lich.jpg
Một buổi tập huấn hướng dẫn viên du lịch của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Thiếu nhân sự chất lượng

Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó có sự hao hụt về nguồn nhân lực. Khi du lịch từng bước phục hồi, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đặt ra một cách cấp bách.

Theo các đơn vị Lữ hành, lưu trú, bắt đầu từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, lượng khách du lịch tăng cao, nhu cầu tuyển dụng lao động khá lớn. Đợt cao điểm du lịch hè cũng đang tạo ra áp lực không nhỏ cho các đơn vị về vấn đề này.

Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, đón cao điểm hè, đơn vị đã nhiều lần tuyển dụng lao động vào vị trí bán hàng (sale) ở mảng du lịch nước ngoài (outbound) và truyền thông, marketing. Tuy nhiên, đến nay những vị trí này vẫn chưa tìm được nhân sự như ý.

“Chúng tôi đã thử việc khá nhiều nhưng không ít người tuyển vào rồi lại phải rời đi do chưa đáp ứng được công việc. Lực lượng nhân sự có kinh nghiệm, làm việc lâu năm không có nhiều, trong khi sinh viên theo học ngành Du lịch mới ra trường còn non về trình độ, kỹ năng”, ông Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Còn theo Giám đốc Công ty Lữ hành Tràng An Travel Nguyễn Hữu Cường, trước mùa cao điểm, công ty tuyển thêm các nhân sự bán hàng ở mảng đón khách nước ngoài (inbound) và các vị trí bán hàng giỏi tiếng Anh, tiếng Trung để mở rộng thị trường ở khu vực châu Âu, Trung Quốc. Hiện lượng nhân sự của đơn vị vẫn thường xuyên thay đổi do có nhiều vị trí tuyển dụng vào làm việc rồi lại chuyển đi.

Ở lĩnh vực lưu trú, không ít đơn vị đang thiếu lao động ở các vị trí buồng, phòng và bếp. Trưởng phòng Bán hàng Khu nghỉ dưỡng Paragon Resort (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Huệ cho biết, hiện đơn vị thiếu nhiều vị trí phục vụ và bếp.

Còn chị Hoàng Thu Hiền, chủ một chuỗi homestay ở thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, mùa cao điểm du lịch hè, khách đặt phòng nghỉ tăng cao, kéo theo nhu cầu lớn về làm vệ sinh, dọn phòng, trong khi lực lượng lao động hiện không nhiều. “Vì thiếu nhân sự nên nhiều khi chủ homestay phải tự tay dọn phòng cho khách”, chị Hoàng Thu Hiền cho biết.

Nhanh chóng bổ sung lao động có kỹ năng

Để giải quyết vấn đề trên, nhiều đơn vị đã tổ chức tuyển dụng sinh viên ở các trường đào tạo về du lịch. Tuy nhiên, do nhu cầu công việc ngày càng đòi hỏi cao, nguồn nhân sự đầu vào tuy được bổ sung nhưng chất lượng vẫn là vấn đề nan giải.

Theo Giám đốc Công ty Lữ hành VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, sau khi tuyển dụng, để người lao động thích ứng được công việc, công ty thường phải tổ chức đào tạo lại. “Chúng tôi yêu cầu nhân viên mảng truyền thông, marketing phải biết dựng video, sáng tạo nội dung trên các nền tảng số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quảng bá sản phẩm. Để làm tốt việc này, công ty phải đào tạo nhiều kỹ năng cho nhân viên”, ông Nguyễn Văn Tài nói.

Tại hội thảo “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế trong giai đoạn hiện nay” diễn ra vào tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, các nhà quản lý, chuyên gia du lịch cùng chung nhận định, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đang bị khủng hoảng, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được thực tế.

Theo Liên Chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam, đến nay, cả nước có 195 cơ sở đào tạo du lịch, mỗi năm có khoảng 20.000 sinh viên, học viên tốt nghiệp, trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp.

Chủ tịch Liên Chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam Đào Mạnh Hùng nhìn nhận, lao động trong ngành Du lịch không thiếu về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều sinh viên ra trường không chỉ thiếu kỹ năng, mà còn yếu cả ngoại ngữ và công nghệ.

Đề xuất giải pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu (nguyên cán bộ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cho rằng, các cơ sở đào tạo nên liên kết chặt chẽ với công ty du lịch uy tín để trang bị cho học viên kiến thức có tính thực tế, đáp ứng yêu cầu.

Ở góc độ đào tạo, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị các cơ quan quản lý định hướng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cụ thể, từ đó các trường xây dựng mô hình đào tạo đạt chất lượng.

Du lịch bắt đầu bước vào mùa cao điểm hè dành cho khách nội địa. Lúc này, các đơn vị kinh doanh du lịch rất cần lực lượng nhân sự tốt. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trong mùa cao điểm du lịch hè, dự kiến nhiều địa phương sẽ đón lượng du khách lớn, dịch vụ sẽ quá tải. Các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ cần nhanh chóng bổ sung nhân sự có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng ứng xử văn minh, bảo đảm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách du lịch.