Kinh tế

Đông Anh tận dụng lợi thế của sàn thương mại điện tử

Đỗ Minh 31/05/2024 - 07:25

Đông Anh là huyện đi đầu về phân hạng và xếp hạng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Cùng với phân hạng, đánh giá, huyện còn chú trọng đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhất là kết nối và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

gioi-thieu-san-pham-dan-tem.jpg
Giới thiệu sản phẩm dán tem QRcode của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh), giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hoàng Hà

Chỉ cần mở trang web của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, huyện Đông Anh là có thể thấy những sản phẩm rau an toàn, hữu cơ được giới thiệu, với những thông số về ngày trồng, thu hoạch, giá bán…

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương Phạm Thị Lý, năm 2017, hợp tác xã bắt đầu triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết. Đến nay, 100% sản phẩm của hợp tác xã sau khi thu hoạch và sơ chế, đóng gói đều được dán tem QRcode, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thông qua điện thoại thông minh có kết nối internet.

“Hợp tác xã có 2 sản phẩm OCOP đạt 3 sao: Su hào, cà chua và sản phẩm cải bó xôi sinh học đạt 4 sao và hợp tác xã đang liên kết với nhiều doanh nghiệp để hình thành mạng lưới tiêu thụ điện tử…”, bà Phạm Thị Lý cho hay.

Không riêng hàng nông sản, nhiều nhóm sản phẩm làng nghề của huyện Đông Anh cũng được phân hạng và đạt tiêu chuẩn 3-4 sao trong Chương trình OCOP. Chủ tịch UBND xã Vân Hà Nguyễn Thị Hảo chia sẻ, xã Vân Hà có nghề truyền thống sản xuất thủ công mỹ nghệ, hiện xã có nhiều nhóm sản phẩm về điêu khắc đạt sản phẩm OCOP 3-4 sao. Các doanh nghiệp, chủ sản xuất trên địa bàn xã đều chủ động xây dựng các kênh bán hàng điện tử, liên kết các website để giới thiệu về sản phẩm.

Theo thống kê của huyện Đông Anh, đến hết năm 2023, toàn huyện có 186 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, với 56 chủ thể (25 chủ thể là hợp tác xã, 16 chủ thể là hộ kinh doanh, 15 chủ thể là doanh nghiệp), trong đó, có 122 sản phẩm thuộc nhóm rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống; 52 sản phẩm chế biến; 3 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm đồ uống; 47 sản phẩm thuộc nhóm đồ thủ công mỹ nghệ. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có 59 sản phẩm được công nhận 4 sao, 113 sản phẩm được công nhận 3 sao. Đặc biệt, sản phẩm ống hút rau, củ của Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng, xã Đại Mạch đạt sản phẩm OCOP 5 sao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà thông tin, cùng với phân hạng, đánh giá, xếp hạng OCOP, huyện Đông Anh xác định, xúc tiến thương mại sản phẩm, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và tiêu thụ là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các chủ thể OCOP nâng cao mẫu mã, chất lượng, kết nối tiêu thụ trên nhiều kênh bán hàng, trong đó chú trọng tận dụng lợi thế của các sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

“Huyện đang yêu cầu các xã rà soát để chọn lựa đưa vào đánh giá sản phẩm OCOP, phấn đấu trong năm 2024 có thêm 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (bao gồm cả sản phẩm đánh giá lại). Để đáp ứng về chất lượng, huyện yêu cầu các địa phương gắn phát triển làng nghề với quy hoạch khu, cụm công nghiệp làng nghề, đưa hoạt động sản xuất vào tập trung, thuận tiện cho việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng chỉ đạo các xã có làng nghề quan tâm đến công tác quy hoạch, phát triển du lịch trải nghiệm, kết hợp mua sắm, nghỉ dưỡng..., nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Tuấn Hà thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, phát huy thế mạnh từ các sản phẩm OCOP, huyện đã xây dựng đề án và kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường hỗ trợ, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và được công nhận sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là triển khai hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát sau xếp hạng sản phẩm.

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là xây dựng kênh bán hàng điện tử, liên kết các sàn điện tử, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn; đồng thời, đưa công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ, đáp ứng điều kiện phát triển hiện nay”, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.