Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5): Không để thuốc lá điện tử tấn công giới trẻ
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang gia tăng ở giới trẻ.
Thậm chí, nhiều học sinh phải nhập viện do đột quỵ, động kinh, loạn thần, ảo giác, suy hô hấp… sau khi hút thuốc lá điện tử. Với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”, Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 năm nay, Bộ Y tế kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ, không để thuốc lá điện tử “tấn công” học đường.
Hiểm họa khôn lường
Gần như tuần nào, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận ca cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử, trong đó phần lớn là thanh thiếu niên. Điển hình như nam học sinh 17 tuổi (ở Hà Nội) vào viện trong tình trạng đa bệnh lý, từ rối loạn tâm thần, trầm cảm, có ý định tự tử đến xơ hóa phổi, thông khí kém, tắc nghẽn mạn tính như ở người già từng hút thuốc lá hàng chục năm. Trong khi, nam sinh mới hút thuốc lá truyền thống kết hợp với thuốc lá điện tử khoảng 1 năm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nam sinh bị ngộ độc ma túy tổng hợp có trong thuốc lá điện tử.
Điều trị cho nhiều ca bệnh như nam sinh nói trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc lo ngại, phần lớn người dân quan niệm, thuốc lá điện tử không có nicotine gây nghiện. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe, gồm: Nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.
Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử trộn ma túy thế hệ mới, khi hút vào đường hô hấp gần như hấp thu 100% giống như tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Người sử dụng ma túy trong thuốc lá điện tử có nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần. Đấy là mối lo hiện hữu cho từng gia đình khi thuốc lá điện tử đang “tấn công” giới trẻ.
Tương tự, Bệnh viện Nhi trung ương cũng từng tiếp nhận không ít trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Đơn cử như bé trai 12 tuổi (ở Hà Nội) được đưa đến Khoa Sức khỏe vị thành niên trong tình trạng khó thở và co giật. Trước đó, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên bé trai này đã bị các anh lớp trên cùng trường rủ sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, em này tự mua trên mạng về để được tự do hút.
Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã, khó chịu khi sử dụng. Nicotine còn gây hại cho sự phát triển não bộ, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí, nicotine có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Mặt khác, thuốc lá điện tử với các ống dung dịch đốt không có định lượng về nồng độ nicotine và tạp chất, dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng nicotine và gây ra ngộ độc cấp tính.
Tác hại là vậy nhưng việc quản lý thuốc lá điện tử lại gặp nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam nhưng việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra tràn lan, đặc biệt là trên môi trường mạng. Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng về màu sắc, hình thức và mùi vị nên hấp dẫn giới trẻ.
Nói "không" với thuốc lá điện tử
Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng trong học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm tuổi này tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nhóm nữ giới từ 11-18 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%. Kèm theo đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do việc người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.
Để hạn chế tối đa vấn nạn sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ, theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe và giám sát các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của trẻ trên cơ sở tôn trọng, tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Đồng thời, cha mẹ nên phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm các hoạt động, mối quan hệ của trẻ ở trường để có thể phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ như: Khó thở, hụt hơi, lo âu, cáu gắt, hoặc tìm thấy các vật lạ, xuất hiện mùi lạ trong nhà (mùi cam, bạc hà, chanh)…, cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để trẻ được thăm khám và điều trị sớm.
Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kêu gọi sự hỗ trợ và cam kết từ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng thể chế, chính sách nghiêm ngặt, đặc biệt là cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới.
Đồng thời, tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá mới trái phép, nhất là việc bán cho trẻ vị thành niên.
Đối với các nhà trường, trong thời gian năm học, cần tăng cường giáo dục và tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh kiến thức để tự chủ trong việc nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.