Chế tài mạnh xử lý hành vi lệch chuẩn
Những ngày qua, việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn với trang phục có huy hiệu lạ khiến dư luận hết sức bức xúc.
Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc, kết quả thẩm định cho thấy, trang phục của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp với giá trị văn hóa Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị, gây phản cảm, tạo dư luận xấu.
Có thể thấy, ăn mặc phản cảm, hở hang khi lên sân khấu biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật từ lâu đã là “chuyện cơm bữa” của nhiều nghệ sĩ. Những ca sĩ như Thủy Tiên, Thu Minh, Hà Linh, Minh Hằng, Angela Phương Trinh, hay các người mẫu như Dương Yến Ngọc, Hồng Quế, Thái Hà… từng bị cơ quan chức năng xử phạt vì trang phục không hợp với thuần phong mỹ tục, khiến khán giả bức xúc. Với những người nổi tiếng, việc bị phạt dăm ba triệu, thậm chí hàng chục triệu mỗi lần sai phạm thì chẳng thấm vào đâu, nhưng hậu quả để lại cho giới trẻ thì khó có thể đong đếm được. Bởi những hình ảnh xấu về cách ăn mặc của nghệ sĩ đã lan truyền một cách chóng mặt, kéo theo hệ lụy khó lường là những hành vi lệch chuẩn cũng ngày một nhiều, đặc biệt là ở giới trẻ vốn hiếu kỳ thích học và làm theo “sao”.
Để ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn trên sân khấu, Điều 3 Nghị định số 144/2020/ NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ đã quy định về hoạt động biểu diễn: Cấm hoạt động nghệ thuật biểu diễn sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội. Nghệ sĩ sẽ bị phạt tiền nếu mặc trang phục, trang điểm, hóa trang không đúng theo quy định hoặc tự tiện thay đổi trang phục được duyệt. Ngoài ra, ngày 13-12-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó nêu rõ ứng xử trong nghề nghiệp, trong khát vọng cống hiến, giá trị thước đo “chân - thiện - mỹ” để đấu tranh với cái xấu, các ác... Tuy nhiên, Quy tắc lại không có chế tài xử phạt. Vì vậy, nhiều nghệ sĩ có thái độ “nhờn”, thậm chí bất chấp các quy tắc để hành xử theo bản năng hay làm theo lợi ích cá nhân, xem thường khán giả.
Nhiều quốc gia ở châu Á đã xử rất nghiêm các hành vi ăn mặc phản cảm của nghệ sĩ. Chính quyền Malaysia từng phạt nhóm nhạc Pussycat Dolls 3.400 USD do khoe cơ thể quá đà trên sân khấu. Hàn Quốc cũng có quy định về kiểm soát trang phục biểu diễn từ năm 2000 và đã từng “cấm cửa” nhiều album mà nghệ sĩ sử dụng trang phục hoặc có phong cách biểu diễn quá gợi cảm. Đặc biệt, Trung Quốc xử mạnh tay với những nghệ sĩ dính bê bối, từ trốn thuế đến ồn ào đời tư. Hàng loạt ngôi sao nổi tiếng như Triệu Vy, Trịnh Sảng, Phạm Băng Băng, Ngô Diệc Phàm... không chỉ bị khán giả tẩy chay mà tất cả sản phẩm trên mọi nền tảng họ từng tham gia cũng bị xóa sổ.
Để người nổi tiếng không còn ăn mặc phản cảm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, còn cần có chế tài thật nặng kèm theo, đơn cử như: Cấm biểu diễn có thời hạn đối với cá nhân và đơn vị tổ chức sự kiện nếu có hành vi vi phạm; cấm vĩnh viễn, thu hồi hoặc tước giấy phép nếu để xảy ra vi phạm nhiều lần... Khi các chế tài đánh mạnh vào lợi ích kinh tế và sự nghiệp của đối tượng vi phạm, chắc chắn không còn tình trạng cố tình ăn mặc phản cảm của một số người nổi tiếng như hiện nay.
Bên cạnh đó, để có thể hạn chế những chương trình có tiết mục phản cảm, câu khách rẻ tiền, các đơn vị tổ chức nghệ thuật cũng cần có ý thức tự giác chấp hành các quy định của cơ quan chức năng. Khán giả, nhất là các bạn trẻ phải bày tỏ thái độ rõ ràng với những vi phạm của “sao” và cao hơn là tẩy chay những người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.