Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Thanh tra toàn diện để minh bạch thị trường vàng
Chiều 29-5, phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thông tin về các vấn đề liên quan đến tỷ giá, ngoại tệ, tăng trưởng tín dụng thấp và đặc biệt là các giải pháp ổn định thị trường vàng.
“Tỷ giá chịu áp lực tăng thời gian qua là diễn biến chung của các nước trên thế giới và khu vực. Nhiều đồng tiền trong khu vực cũng đang mất giá ở mức độ tương đối cao”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi rất sát và thực hiện phối hợp đồng bộ các giải pháp, chính sách để điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp, đảm bảo được nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất. Thời gian vừa qua, nguồn ngoại tệ cung ứng chủ yếu cho nhu cầu nhập khẩu sản xuất trong nước.
“Nhiều dự báo thì cho thấy tỉ giá vào cuối năm sẽ được hạ nhiệt. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, để các doanh nghiệp yên tâm về điều hành chính sách chung”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Đối với tăng trưởng tín dụng thấp, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các thành viên của Chính phủ, trong đó có Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhiều lần báo cáo và kiến nghị với 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải có những giải pháp tăng cường, ví dụ như bảo lãnh các doanh nghiệp về vay vốn tại ngân hàng để thúc đẩy tín dụng tăng cao hơn.
Đối với thị trường vàng, giá vàng tăng cao và biến động phức tạp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu giá vàng trong nước tăng cùng chiều với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế nới rộng và đặc biệt với vàng miếng SJC.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt cả Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ và ngành thực hiện chức năng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng để có thể thu hẹp chênh lệch giá vàng. Đây là nhiệm vụ có nhiều thách thức bởi giá vàng quốc tế vẫn liên tục biến động cao và rất phức tạp.
“Kế thừa cách làm từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường qua đấu thầu, với kỳ vọng giá sẽ giảm dần. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng, chúng tôi đã dừng đấu thầu để đánh giá tình hình, tìm ra các nguyên nhân và xây dựng phương án mới để bắt đầu triển khai trong tuần tới”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Một giải pháp khác đã được Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt là các bộ, ngành phối hợp để tăng cường minh bạch thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định thanh tra toàn diện, từ hóa đơn chứng từ, các giao dịch về phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng.
Trước đó, tại phiên thảo luận diễn ra trong ngày 29-5, nhiều đại biểu nêu việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập. Cho rằng việc đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi, nên chăng đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng, nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để xử lý các bất cập trong lĩnh vực tài chính, tín dụng. Đại biểu cho rằng, việc đầu tư, cất trữ vàng, nhất là vàng miếng, không có lợi ích và hiệu quả nào đối với nền kinh tế. Vì vậy, cần có những giải pháp mạnh mẽ, cải cách thể chế, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP để xử lý những bất cập liên quan đến thị trường, không để vàng miếng “làm mưa làm gió” trong nền kinh tế.