Giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang là mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới, trong đó có Việt Nam. Đây không chỉ là yêu cầu mà còn tạo sức ép thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Ngày 29-5, Talkshow của Báo Người Lao Động với chủ đề “Giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam” được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội cùng trao đổi những vấn đề “nóng” trong bối cảnh tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của nền kinh tế.
Mở đầu Talkshow, PGS.TS Lê Thị Thúy Hằng, Phó khoa Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Tài chính - Marketing) cho rằng, xét một cách tổng thể, tín dụng xanh có vai trò đối với nền kinh tế ở 3 khía cạnh: Hỗ trợ, sử dụng các năng lượng tái tạo; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, giảm bớt ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu; là cơ sở tài chính cung cấp cho các dự án xanh, hướng tới môi trường bền vững của nền kinh tế.
Nói về vai trò của ngân hàng đối với tín dụng xanh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh nhấn mạnh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng khi ngân hàng là kênh cung ứng tài chính then chốt của nền kinh tế, góp phần “xanh hóa” dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế, môi trường và xã hội.
Thực tế, ngành Ngân hàng thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp góp phần thúc đẩy quá trình này. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31-3 vừa qua, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt gần 637.000 tỷ đồng, trong đó, tín dụng nông nghiệp xanh chiếm 32%; tín dụng năng lượng sạch, tái tạo 47%; nước sạch đô thị, nông thôn 11%; còn lại là phân bổ cho ngành Lâm nghiệp. Đây được xem là cơ cấu tín dụng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay, dư nợ tín dụng xanh mới chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Vì vậy, kỳ vọng thời gian tới, dư nợ tín dụng xanh sẽ tăng lên khoảng 4,7 đến 5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, sau tín hiệu tích cực từ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cũng như các gói tài chính của ngành Ngân hàng và các tổ chức tài chính thế giới dành cho tín dụng xanh.
Là doanh nghiệp chuyên về trồng trọt và chăn nuôi, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình Võ Quan Huy, cho hay, doanh nghiệp đang hoạt động theo tiêu chí lấy phụ phẩm của trồng trọt đưa về chăn nuôi, và lấy chất thải của chăn nuôi để bổ sung cho trồng trọt, để có thể tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm và chất thải phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, doanh nghiệp rất coi trọng và đề cao tính phát triển bền vững khi đi theo tiêu chí an toàn thực phẩm. Để duy trì hoạt động và phát triển theo tiêu chí này, vai trò của tín dụng xanh là không thể thay thế và được xem là mạch máu để doanh nghiệp phát triển theo tiêu chí xanh.
Dưới góc độ ngân hàng, Giám đốc chiến lược Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Ngô Bình Nguyên chia sẻ, thời gian qua, khách hàng, doanh nghiệp có xu hướng phát triển bền vững, đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài thì yếu tố này được xem là then chốt. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, Ngân hàng OCB đang hướng tới trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên có chiến lược rõ ràng về phát triển ngân hàng xanh và bền vững.