Xã hội

Gia Lâm giảm hộ cận nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

Phương Uyên 29/05/2024 06:24

Những năm qua, các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Gia Lâm đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội… Nhờ đó, nhiều hộ đã tích cực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng huyện hoàn thành mục tiêu xóa nghèo, giảm cận nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

rau-sach.jpg
Nhờ nguồn vốn chính sách, mô hình trồng rau sạch của người dân xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) mang lại thu nhập ổn định.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, huyện luôn xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phân tích rõ nguyên nhân nghèo và khả năng thoát nghèo của từng hộ; xác định rõ chỉ tiêu cụ thể, đề ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đáng chú ý, các nguồn vốn ưu đãi đã và đang đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo của huyện.

Với cách làm thiết thực, nên từ năm 2022 đến nay, thôn Phù Đổng 2 (xã Phù Đổng) không còn hộ cận nghèo. Trưởng thôn Phù Đổng 2 Trịnh Xuân Luyến thông tin, năm 2021, thôn có 8 hộ cận nghèo. Để giúp các hộ thoát cận nghèo, thôn đã giúp các hộ này được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Thanh, sau khi được hỗ trợ vay vốn đã thực hiện mô hình trồng hoa giấy trên diện tích 7 sào. Từ đó, gia đình ông Thanh có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống và thoát cận nghèo. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thôn lập danh sách đề nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ xây, sửa nhà. Còn với những hộ đơn thân, ngoài được hưởng chính sách của Nhà nước 3 triệu đồng/người/tháng, họ còn được các hội, đoàn thể thôn giới thiệu việc làm để có thêm thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, năm 2023, xã giảm được 18 hộ cận nghèo. Hiện còn 18 hộ trong diện này, xã phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ giảm thêm 9 hộ.

Tại xã Phú Thị, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có nhiều mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thị Nguyễn Thị Lan chia sẻ, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ có vốn để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã Phú Thị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tính đến hết tháng 4-2024, tổng dư nợ trên địa bàn xã đạt 20,9 tỷ đồng, cho hơn 600 hộ vay theo chương trình giải quyết việc làm, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường...

Để hỗ trợ nông dân có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu năm 2024, Hội Nông dân xã Lệ Chi đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức rà soát, hoàn thiện thủ tục, giải ngân cho 43 hộ vay 3,3 tỷ đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ cho hay, hiện tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt hơn 16,32 tỷ đồng, cho 277 hộ vay. Ngoài ra, còn có 66 hộ được vay 2,856 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Nhằm nâng cao năng lực phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đình Xuyên đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý tốt nguồn vốn vay, với tổng dư nợ hơn 13,2 tỷ đồng, cho 235 hộ vay. Trong năm 2023 và quý I-2024, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã giúp 2 hộ thoát cận nghèo và 4 hộ có hoàn cảnh khó khăn do nữ làm chủ có việc làm, được vay vốn; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 100 lao động vào làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, đến nay, tổng dư nợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho các hội viên nông dân trên địa bàn huyện Gia Lâm vay đạt hơn 600 tỷ đồng; dư nợ tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 21,594 tỷ đồng và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hơn 19 tỷ đồng. Các nguồn vốn ưu đãi đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 3.000 lao động mỗi năm; giúp huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đạt các chỉ tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, Gia Lâm không còn hộ nghèo, hiện chỉ còn 147 hộ cận nghèo, chiếm 0,18%.