Kinh tế

Liên bộ họp "nóng" về xuất khẩu gạo, rau quả

Lam Giang 28/05/2024 - 21:49

Nhằm đánh giá tình hình xuất khẩu gạo và rau quả các tháng đầu năm và thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm, ngày 28-5, liên bộ Công Thương và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đồng chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành, hiệp hội liên quan.

28.5-hn-bct-bnn.jpg
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Cấn Dũng

Thông tin tại cuộc họp cho biết, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao. Đến ngày 20-5, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,490 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng tốc, Trung Quốc đứng đầu 1,156 triệu USD, Hàn Quốc 107 triệu USD.

Ước tính đến ngày 30-5, tổng sản lượng gạo xuất khẩu là 3,6 tấn, kim ngạch đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 11% số lượng, tăng 34% giá trị. Việt Nam cũng tập trung vào thị trường lớn như Phipinnies, Trung Quốc, Indonesia… Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ.

Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Nếu đến tháng 9 Ấn Độ chưa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì đây là cơ hội cho Việt Nam.

Dù vậy, ông cũng nêu một số vấn đề tồn tại, như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đồng thời, đề nghị Liên bộ và Hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này.

Trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Do vậy chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được. Ông Nguyễn Ngọc Nam đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình, xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài.

Tuy nhiên, theo ông Nam, công tác quản lý, kiểm tra, xử lý liên quan đến vật tư đầu vào, chế biến, bảo quản, thực hiện mã số vùng trồng, đóng gói làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra vi phạm. Vì vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả; đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch với bơ, dừa tươi… để nâng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần khắc phục yếu kém lâu nay của các doanh nghiệp là thiếu liên kết và hợp tác để xây dựng hình ảnh, thương hiệu mạnh hơn cho sản phẩm gạo, rau quả… Việt Nam. Ngoài ra, các hiệp hội cũng cần thay đổi tư duy, cách làm tăng cường liên kết, hợp tác để nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, sản phẩm khi ra thị trường quốc tế.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh hiện nay, hiệp hội ngành hàng, bộ ngành cần phối hợp khắc phục khó khăn, tận dụng các lợi thế, phát huy vai trò của mình, đẩy mạnh các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, rau quả.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đàm phán mở cửa thị trường, ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại…