Công nghệ

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đều cần công nghệ số

Châu Anh 28/05/2024 - 20:04

Với chủ đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số”, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức khai mạc chiều nay 28-5 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự. Thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải tham dự Diễn đàn.

z5484633191856_f00d4585b77755432fd3c2b15504cd5e.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham quan gian trưng bày triển lãm bên lề Diễn đàn. Ảnh T. Hà

Khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA Trương Gia Bình cho biết, để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này.

z5484488716904_b74723b33e580a9a3133c5d8e82ef19f.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh M.Sơn

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược, là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%; kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Đến năm 2023 thì kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước 2-4 lần.

“Chuyển đổi số phải dùng các công nghệ xanh; muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số; muốn bền vững thì chuyển đổi xanh. Nhưng cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều cần đến công nghệ số mà cốt lõi là chip bán dẫn. Cùng với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam phải tận dụng được cơ hội này để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao và ở nhóm đầu về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, để từ đó mới thay đổi được thứ hạng quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, chuyển đổi số - chuyển từ xanh, phát triển kinh tế số hướng tới phát triển bền vững là một xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Và có lẽ đây là con đường ngắn nhất để đi đến một tương lai Việt Nam tươi sáng!

Về kết quả chuyển đổi số trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nhận định, chuyển đổi số đã đem lại những chuyển biến tích cực ở các lĩnh vực ngân hàng, tư pháp, nông nghiệp. Hạ tầng số được đầu tư mạnh mẽ, trong đó có trên 80% hộ gia đình có cáp quang đến tận nhà, rất nhiều người có điện thoại thông minh. Một số doanh nghiệp Việt Nam có sự khởi động ngoạn mục, ngày càng có vị thế cao hơn trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và được các tập đoàn lớn như Samsung lựa chọn Việt Nam là “cứ điểm” để đầu tư.

Ghi nhận kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng chỉ ra một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời nêu 6 điểm hành động cụ thể:

Thứ nhất, phải có sự nhìn nhận đúng mực về câu chuyện chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, dành ưu tiên và dám dấn thân cho lĩnh vực này.

Thứ hai, tiếp tục chú trọng đầu tư cho hạ tầng số, đặc biệt là khu vực có nhu cầu phát triển, như các khu trung tâm, khu công nghiệp công nghệ cao.

Thứ 3, phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số - chuyển đổi xanh.

Thứ tư, tăng cường đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các nhà đầu tư theo hướng kêu gọi các Tập đoàn Samsung, LG cùng đào tạo và tuyển dụng.

Thứ năm, Nhà nước và cả doanh nghiệp cần có một cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp startup tham gia, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, mạo hiểm.

Thứ sáu, cố gắng từng bước “đứng trên vai người khổng lồ” để khai thác tận dụng tốt những thành tựu của thế giới, thông qua hợp tác quốc tế, thu hút những dự án tốt…

Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 được tổ chức từ chiều 28-5 đến hết ngày 29-5. Trong khuôn khổ Diễn đàn có các hội thảo chuyên đề theo 3 tuyến: Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế số; công nghệ chuyển đổi.