Quy hoạch Thủ đô tạo sức bật phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề
Ngày 24-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Với những nội dung mới được Bộ Chính trị lưu ý nhấn mạnh, trong đó có nội dung xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Đây là điểm kỳ vọng tạo sức bật cho du lịch nông thôn, làng nghề Hà Nội.
Sức bật cho nguồn lực
Theo thống kê, Hà Nội có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 278 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động.
Những năm qua, các làng nghề chủ động đổi mới, thích ứng điều kiện phát triển, hội nhập. Tại nhiều địa phương, làng nghề không đơn thuần chỉ sản xuất, mà còn gắn với du lịch, tạo thành mũi nhọn kinh tế khu vực nông thôn.
Tại Thường Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín có 126 làng nghề, trong đó, có 48 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Hiện, huyện có 4 làng nghề được UBND thành phố công nhận điểm du lịch, gồm: Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái, điểm du lịch làng nghề sừng Thụy Ứng và điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm.
“Những năm qua, nhờ phát triển du lịch gắn với làng nghề, nguồn thu làng nghề tăng mạnh. Ngoài nguồn thu từ sản phẩm, các dịch vụ du lịch cũng đang tạo nguồn kinh tế lớn cho các làng nghề”, ông Thản chia sẻ.
Tương tự, huyện Thanh Oai cũng đang đẩy mạnh du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống. Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho biết, Thanh Oai có 51 làng được công nhận là làng nghề và làng có nghề. Huyện có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mới được Bộ Chính trị ban hành sẽ là điểm mở, đòn bẩy cho du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp phát triển.
Theo ông Bùi Văn Sáng, một nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đó là: Xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận với tiêu chí đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Đây là định hướng để vùng nông thôn có nghề duy trì nông nghiệp tạo sức bật riêng, trở thành điểm nhấn xanh của Thủ đô.
Hình thành các vùng mang đặc trưng
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 chỉ rõ một số nội dung: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện giải pháp tổ chức thực hiện các quy hoạch, nhất là giải pháp khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển, như mở rộng không gian phát triển thông qua xây dựng Vành đai 4, Vành đai 5 và các trục phát triển để khai thác hiệu quả quỹ đất.
Phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Kế thừa định hướng quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái; phát triển đô thị theo mô hình TOD, xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, tạo động lực phát triển, hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước...
Nhiều chuyên gia cho rằng, với quy hoạch này và Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được thảo luận và chuẩn bị thông qua sẽ tạo cho nông thôn Hà Nội một bước phát triển mới. Trong đó, các mô hình sinh thái, du lịch, nông nghiệp xanh sẽ có điều kiện phát triển và nhân rộng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền từng chỉ rõ: Quy hoạch Hà Nội sẽ hình thành các vùng gắn với đặc trưng, thế mạnh. Trong đó, nông thôn Thủ đô phải là nông thôn hiện đại song vẫn gìn giữ bản sắc.
Quy hoạch phát triển không gian thông qua Dự án đường Vành đai 4 được nêu trong Quy hoạch Thủ đô mới cũng sẽ là nguồn lực để các địa phương phát triển hạ tầng, từ đó, hình thành tuyến giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho hay, với Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện đã cập nhật bổ sung phát triển đô thị khu vực phía Tây tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện và dự kiến khu vực phát triển đô thị hơn 2.000ha; định hướng phát triển khu vực đô thị thị trấn Kim Bài, mở rộng vùng phát triển về khu vực xung quanh. Ngoài ra, cho phép bổ sung phát triển đô thị dọc kênh Yên Cốc, phát triển đô thị xanh kết hợp sinh thái hai bên bờ kênh Yên Cốc, Thanh Oai cũng nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc trục phát triển phía Nam và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...