Công nghệ

Tìm giải pháp để Thủ đô phát triển khoa học công nghệ, công nghệ cao

Mai Hữu 28/05/2024 - 17:21

Chiều 28-5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những giải pháp góp phần giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, công nghệ cao.

lythilan.jpg
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đồng thời, hoàn thiện các biện pháp đặc thù để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về UBND thành phố Hà Nội quản lý. Đặc biệt là nhóm các quy định về vị trí pháp lý của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các quy định về phân quyền của thành phố cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trực tiếp thực hiện một số thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng...

Tuy nhiên, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

tadinhthi.jpg
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) bày tỏ nhất trí việc bổ sung quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập doanh nghiệp và cho phép viên chức làm việc tại các tổ chức đó được tham gia, quản lý, điều hành doanh nghiệp nếu được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.

Quy định này là nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 69-KL/TƯ của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đưa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ nhanh chóng đi vào thị trường, gắn với thực tế đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, hình thành hệ sinh thái tuần hoàn giữa nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm, tái đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng khoa học và công nghệ rất lớn của Thủ đô - nơi tập trung 80% cơ sở giáo dục đại học, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, với 70% tổng số cán bộ khoa học có học vị tiến sĩ trở lên của cả nước.

Theo đại biểu, chính sách này cũng phù hợp với xu thế trên thế giới hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, vòng đời sản phẩm và chu trình sản xuất ngày càng được rút ngắn, quy mô mô hình đại học khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển và mở rộng.

“Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của chính sách, tôi đề nghị cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan, nhất là Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Viên chức, Luật Giáo dục đại học và Luật Phòng, chống tham nhũng”, đại biểu nói.

luatthudo2.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.

Với quy định viên chức của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc thêm.

“Bởi Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô, cần xác định rõ, phân công hợp lý”, đại biểu nói.