Số hóa trong lĩnh vực trồng trọt: Tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm
Thời gian qua, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đã áp dụng công nghệ số trong trồng trọt, như: Hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng…
Phương pháp hiện đại đã góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, giảm phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, tăng năng suất cây trồng.
Gần 50% nông dân muốn áp dụng số hóa
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, hợp tác xã đã triển khai mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của Israel với diện tích 2.600m2 để trồng dưa lưới, xà lách, cà chua bi, dưa chuột…
Với công nghệ này, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây; phân bón hòa vào nước theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây nên cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc.
“Cây rau trồng thủy canh trong hệ thống nhà màng nên không chịu tác động của mưa, nắng, hạn chế được sâu, bệnh. Do đó, mỗi năm hợp tác xã sản xuất được 8-10 lứa rau, thu khoảng 1-1,2 tấn rau các loại/tháng. Sản lượng thu cao gấp khoảng 8-10 lần so với cùng diện tích sản xuất thông thường..., cho giá trị 800 triệu đồng/năm”, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho biết thêm.
Cùng với ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, để kiểm soát dịch bệnh, nhiều hợp tác xã, nông dân đã sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học.
Ông Lê Ngọc Hoàng ở xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) cho biết, gia đình ông đầu tư mua 1 chiếc máy bay không người lái chuyên phun thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học cho 500 gốc bưởi, 300 gốc nhãn, 100 gốc ổi và ao thả cá. Trước đây, ông phải thuê khoảng 15 nhân công lao động để làm việc này thì nay chỉ trong 2 giờ, máy bay đã phun xong. Công nghệ phun ly tâm giúp cho việc tiếp xúc mặt dưới lá hiệu quả hơn, giảm tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cao gấp 30 lần so với phun thủ công, giảm thất thoát 30% thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 90% nước… Ứng dụng máy bay không người lái giúp người dân chủ động thời gian phun thuốc với khả năng phun vào ban đêm, có thể phun trên diện tích rộng, địa hình phức tạp và trên nhiều loại cây trồng.
Khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á cho thấy, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam cho biết, họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với 3 quốc gia khác trong khối ASEAN cùng khảo sát thì Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất...
Nói rõ hơn về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, thống kê từ các địa phương cho thấy, đến nay đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số.
Đồng hành với nông dân trong chuyển đổi số
Hiệu quả đã rõ, song việc ứng dụng công nghệ số trong trồng trọt vẫn là thách thức lớn, do cơ sở hạ tầng chưa phát triển, ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ. Các điều kiện đáp ứng chuyển đổi số gặp khó khăn do trồng trọt chủ yếu ngoài trời, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, hiệu quả thấp nên khó áp dụng công nghệ và thu hút doanh nghiệp công nghệ vào nông nghiệp. Ngoài ra, biến động mạnh về sản lượng do chu kỳ ngắn, điều kiện thời tiết và khả năng bảo quản, trình độ ứng dụng công nghệ của nông dân còn thấp cũng là trở ngại…
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng, theo Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, nhà nước cần đồng hành với nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Các cơ quan chức năng nên có biện pháp khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao và mời nông dân đã chuyển đổi số thành công chia sẻ kinh nghiệm...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành Nông nghiệp cần tăng cường nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ quản lý nông nghiệp, nông dân về chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Trong đó, trước mắt cần ưu tiên nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đối với các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực theo vùng, miền; tổ chức thực hiện kết nối nông dân với chuyên gia nông nghiệp thông qua nền tảng số; cung cấp các bộ dữ liệu mở về sản xuất nông nghiệp, bao gồm: Quy trình, công nghệ sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng; bảo đảm phát triển hệ sinh thái về nông nghiệp số như liên kết và quản lý vùng trồng, chuyển đổi số cả chuỗi nông sản từ nông hộ đến thu gom, chế biến, xuất khẩu; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ viễn thám, dữ liệu lớn trong việc tổng hợp, phân tích, đánh giá, khai phá trên nền tảng dữ liệu ngành Nông nghiệp, phục vụ công tác thống kê, dự báo trong sản xuất nông nghiệp, phát triển thị trường nông sản, phát hiện, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng…