Chính trị

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Chặt chẽ, chất lượng và xứng tầm

Tiến Thành 28/05/2024 09:04

Chiều nay (28-5), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Có thể khẳng định, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy bảo đảm chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, chất lượng các quy phạm pháp luật và xứng tầm với vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội.

thu-do.jpg
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Thủ đô là "đô thị loại đặc biệt”. Ảnh: HNM.

Khẳng định vị trí, vai trò của Thủ đô

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều).

Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, vấn đề đã được quy định trong các luật khác.

Theo tinh thần đó, dự thảo Luật đã được rà soát, lược bỏ một số nội dung đã được quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, Luật Thủ đô là đạo luật đa ngành, đa lĩnh vực, việc quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu theo hướng liệt kê các nội dung, lĩnh vực được điều chỉnh trong Luật sẽ vừa không bao quát hết phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vừa có sự trùng lắp. Vì vậy, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô như Luật Thủ đô hiện hành.

Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, đô thị được công nhận là loại đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện nhất định và thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng thì Thủ đô cần phải được chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị loại đặc biệt, một đơn vị hành chính loại đặc biệt.

Do đó, từ khi thực hiện sáp nhập, mở rộng Thủ đô đến nay, thành phố Hà Nội được mặc nhiên áp dụng các chính sách đối với đô thị loại đặc biệt mà chưa có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân loại đô thị. Việc dự thảo Luật quy định Thủ đô “là đô thị loại đặc biệt” là để ghi nhận thực tế hiện nay và để bảo đảm thực hiện ổn định các cơ chế, chính sách đang được áp dụng cho Hà Nội, phù hợp với yêu cầu phát triển và tình hình thực tiễn.

Đối với nguyên tắc áp dụng pháp luật, quy định về áp dụng Luật Thủ đô nhằm xử lý mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với các luật, nghị quyết của Quốc hội, giữa văn bản quy định chi tiết, văn bản do Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền thành phố ban hành để thực hiện những nội dung được phân quyền trong Luật Thủ đô với văn bản của các cơ quan nhà nước khác là vấn đề rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả, hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô sau khi được ban hành.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành có quy định sau thuận lợi hơn cho Thủ đô nhưng việc áp dụng lại chưa được quy định cụ thể trong luật, nghị quyết đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Viết Thành
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho HĐND - UBND các cấp thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Giải trình thỏa đáng, chỉnh lý phù hợp

Về một số nội dung của dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, làm rõ, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Về mô hình chính quyền đô thị, quá trình thực hiện thí điểm của thành phố Hà Nội đã cho thấy các kết quả tích cực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như định hướng phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn sắp tới.

Với quy mô dân số, diện tích hiện có và trong bối cảnh chính quyền các quận của Hà Nội sẽ được phân cấp, phân quyền thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới thì việc tiếp tục duy trì tổ chức chính quyền địa phương ở quận như một cấp chính quyền là cần thiết.

Việc tăng số lượng đại biểu HĐND và tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cho thành phố so với quy định hiện hành là cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của HĐND, nhất là trong điều kiện HĐND thành phố sẽ được phân quyền thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới theo dự thảo Luật.

Nếu tăng tổng số đại biểu HĐND lên thành 125 đại biểu thì với 25% hoạt động chuyên trách sẽ có khoảng 31 đại biểu hoạt động chuyên trách là phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn và khả năng bố trí cán bộ hiện nay. Số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được tăng thêm cũng không nhiều và về nguyên tắc là phải được cân đối trong tổng số biên chế cán bộ, công chức của thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND thành phố, trường hợp thành lập thêm cơ quan, tổ chức thì phải bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định. Theo quy định này, thành phố sẽ chủ động hơn trong việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn trong từng giai đoạn, từng thời kỳ cụ thể.

Đối với việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ để thu hút nhân tài được đại biểu Quốc hội quan tâm, dự thảo Luật đã có sự phân loại đối với những đối tượng với chế độ đãi ngộ phù hợp. Trên cơ sở quy định mang tính nguyên tắc của dự thảo Luật, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục quy định cụ thể hơn về đối tượng cần thu hút, trọng dụng cũng như chế độ, chính sách phù hợp để thu hút nhân tài phục vụ thành phố.

Vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều tại kỳ họp thứ sáu là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại các công trình vi phạm, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng đây là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Quy định nêu trên nhằm kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa hậu quả xảy ra tại các công trình, cơ sở sai phạm, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng; trao quyền chủ động cho thành phố trong việc xác định cụ thể việc thực hiện biện pháp bảo đảm hiệu quả, khả thi, đúng đối tượng, hạn chế tới mức thấp nhất việc ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thực chất, việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ đã có tiền lệ quy định tại Luật Viễn thông và là giải pháp cần thiết nhằm bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ bảy (được thông qua tại phiên họp trù bị), Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 27-6-2024, tại đợt 2 của kỳ họp.